Bác sĩ Vũ Đức Thịnh, khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám cho bệnh nhi bị chó nhà cắn thủng thực quản - Ảnh: BVCC.
Có nên ngủ cùng với chú cún cưng của bạn?
Bạn có thực sự hiểu thú cưng của mình?
Độ tuổi trung bình của các loài thú cưng phổ biến
5 thông tin cần biết về bệnh dại
Bé gái 11 tuổi bị chó nhà nuôi 12 năm cắn thủng thực quản
Theo thông tin từ Vietnamnet, ngày 31/3, một bé gái 11 tuổi quê Bắc Giang đã được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) sau khi bị chó nhà cắn vào cổ.
Gia đình cho biết, con chó này đã được nuôi suốt 12 năm và được xem như thành viên trong nhà. Khi đang chơi đùa cùng bé, con chó bất ngờ tấn công vào vùng cổ của bé. Do chủ quan nghĩ rằng chó nuôi lâu năm và đã được tiêm phòng dại, gia đình ban đầu không đưa bé đi viện ngay. Tuy nhiên, đến bữa ăn, khi bé nhai nuốt, người nhà phát hiện nước bọt và thức ăn rỉ ra từ vết thương ở cổ. Nhận thấy đây là dấu hiệu tổn thương nghiêm trọng, nghi thủng thực quản và có thể nguy hiểm đến tính mạng, gia đình mới vội vàng đưa bé đi cấp cứu.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, kết quả chụp cắt lớp vi tính và nội soi sau đó xác định thực quản của bé có hai lỗ thủng. Tình trạng này nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm trung thất (nhiễm trùng khoang giữa hai lá phổi), nhiễm trùng huyết, hoặc rò thực quản kéo dài.
Ngay lập tức bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật mở rộng vết thương để kiểm soát tổn thương và thực hiện mở thông dạ dày, đặt ống nuôi ăn nhằm giúp thực quản có thời gian hồi phục. Bệnh nhi cũng được hội chẩn với các chuyên gia dịch tễ và lập tức tiêm huyết thanh kháng dại cùng mũi vaccine phòng dại đầu tiên, đồng thời tiếp tục theo dõi để tiêm đủ phác đồ để đảm bảo an toàn.
Tới ngày 10/4, bé gái đã qua cơn nguy hiểm, đang tiếp tục được theo dõi và chăm sóc hồi phục.
Tại sao chó thân quen vẫn có thể tấn công?
Ngay cả khi một con chó đã được nuôi trong nhiều năm và tỏ ra hiền lành, nó vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ tấn công người. Theo Hiệp hội Hoàng gia Bảo vệ động vật khỏi sự tàn ác – RSPCA (một tổ chức từ thiện tại Vương quốc Anh, được thành lập để bảo vệ động vật và thúc đẩy quyền lợi của chúng), điều này xảy ra vì nhiều lý do, bao gồm:
1. Nhận thức về mối đe dọa
Chó sử dụng hành vi hung hăng như một cách để đối phó với điều mà chúng cảm thấy là mối đe dọa. Dù chó đã sống lâu với con người và thường hiền lành, nhưng nếu hành động của người quen đó đột ngột khác lạ hoặc khiến chó giật mình, sợ hãi, nó vẫn có thể tấn công.
2. Không thể dự đoán hoàn toàn hành vi
Dù con chó đã quen thuộc với con người, sống ngoan ngoãn trong thời gian dài, nhưng nếu nó chưa từng gặp phải một tình huống cụ thể nào đó mà nó cảm thấy bị đe dọa, thì không ai có thể chắc chắn 100% rằng nó sẽ không phản ứng bằng cách hung hăng hay tấn công khi rơi vào tình huống đó lần đầu tiên.

Chó có thể cảm thấy bị đe dọa bởi nhiều thứ khác nhau, tùy thuộc vào mục đích ban đầu mà giống chó của chúng được lai tạo và cách chúng được nuôi dạy.
3. Tín hiệu cảnh báo có thể bị bỏ qua
Chó thường đưa ra nhiều dấu hiệu cảnh báo trước khi cắn (liếm môi, quay mặt đi, gầm gừ, nhe răng...), nhưng nếu những tín hiệu này bị con người phớt lờ hoặc không nhận ra, chó có thể học được rằng những dấu hiệu đó không hiệu quả và chuyển sang hành vi cắn ngay lập tức trong các lần sau.
4. Ảnh hưởng từ trải nghiệm trong quá khứ
Một con chó dù sống lâu với chủ nhưng nếu từng bị đau đớn, từng bị tấn công hoặc có trải nghiệm tiêu cực khác (dù từ trước khi về sống với chủ) thì những ký ức đó có thể ảnh hưởng đến cách nó phản ứng trong các tình huống hiện tại.
5. Bản năng gốc không mất đi
Một số giống chó được lai tạo với mục đích bảo vệ, canh gác hoặc săn mồi, nên vẫn giữ những bản năng cảnh giác cao hơn và dễ phản ứng mạnh hơn nếu cảm thấy có điều gì đó bất thường hoặc đe dọa, kể cả khi đã sống với chủ lâu năm.
Vì vậy, việc nuôi chó lâu năm tạo dựng sự gắn kết, nhưng không loại bỏ hoàn toàn bản năng và các yếu tố có thể kích hoạt hành vi tấn công. Luôn cần tôn trọng không gian của chó, quan sát ngôn ngữ cơ thể của chúng, tránh các hành động có thể khiến chúng sợ hãi hoặc cảm thấy bị đe dọa, và đặc biệt cảnh giác khi có người lạ hoặc trẻ em tương tác với chó.
Khuyến cáo khi bị chó hoặc bất kỳ động vật nào cắn
Các bác sĩ khuyến cáo khi bị chó hoặc bất kỳ động vật nào cắn, người bệnh cần:
- Sát trùng ngay lập tức: Rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước trong ít nhất 15 phút, sau đó sát khuẩn bằng cồn hoặc dung dịch sát trùng.
- Không chủ quan dù vết thương nhỏ: Ngay cả khi vết cắn không chảy máu nhiều, vi khuẩn hoặc virus từ nước bọt động vật vẫn có thể xâm nhập và gây nhiễm trùng sâu.
- Đến cơ sở y tế ngay lập tức: Đặc biệt là vết cắn ở vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ, tay, chân. Cần tiêm phòng dại và kiểm tra chuyên sâu nếu có dấu hiệu nhiễm trùng.
- Theo dõi con vật cắn trong 10-14 ngày: Nếu con vật có dấu hiệu bất thường, cần thông báo ngay cho bác sĩ để có phương án xử lý kịp thời.
Bình luận của bạn