Một bệnh nhân lao có thể sẽ lây 10 - 15 người/ năm


Tư vấn phòng chống bệnh lao trong cộng đồng

Bệnh trẻ hóa, bác sĩ già đi

Theo thống kê của Chương trình phòng chống lao Quốc gia, hiện nay mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng 130.000 người mắc lao mới, 170.000 người mắc lao lưu hành, 3.500 người mắc lao đa kháng thuốc và đặc biệt có đến 18.000 người tử vong do bệnh lao. Con số thống kê trên cho thấy số tử vong do bệnh lao hàng năm cao gần gấp đôi số người chết vì tai nạn giao thông. Trong nhiều năm qua, dù đã rất cố gắng song Việt Nam vẫn luôn nằm trong top 20 quốc gia có số bệnh nhân mắc lao cao nhất thế giới.

Theo GS.TS Đinh Ngọc Sỹ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, tỷ lệ lao phổi tăng rất nhanh ở nhóm tuổi lao động (chiếm 75%) và ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Đặc biệt, nhóm thanh thiếu niên từ 15-24 tuổi mắc bệnh này ngày càng nhiều. Điều này có thể chi phối đến tình hình dịch vì luôn có một số lượng nguồn lây tiềm tàng ở nhóm trẻ tuổi. Trong khi đó, đội ngũ làm công tác phòng chống lao, các bác sĩ điều trị lao lại đang già đi mà chưa có đội ngũ kế cận, bởi hàng chục năm qua, việc tuyển dụng bác sĩ làm việc trong lĩnh vực này cực kỳ khó khăn. Đơn cử như Bệnh viện Phổi Hà Nội, có giai đoạn 10 năm liền không tuyển được bác sĩ chính quy về làm điều trị lao. Ngay cả tại BV Phổi trung ương cũng không khá hơn là bao.

PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, kiểm soát bệnh lao là một trong các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng thế giới. Theo đó, tới năm 2015, Việt Nam phấn đấu giảm 50% số mắc và tử vong do bệnh lao so với năm 2000. Từ 2015 đến 2020, mục tiêu đặt ra là phải giảm được 30% số người mắc lao trong 5 năm, tức là trung bình phải giảm 6% mỗi năm; giảm 40% số người chết do lao trong 5 năm, tức là giảm 8%/năm… Đây là những mục tiêu rất khó có thể thực hiện nếu không có những giải pháp đột phá, bởi hiện tại tốc độ giảm số người mắc và số tử vong do lao ở nước ta mới chỉ đạt lần lượt là 4,6% và 4,4%/năm.

Người dân vẫn chủ quan

TS Nguyễn Đức Chính, Thư ký Chương trình phòng chống lao Quốc gia cho biết, năm 2013, nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động phòng chống lao là 114 tỷ đồng nhưng năm 2014 này giảm xuống chỉ còn 63 tỷ đồng. Trong khi đó, nhu cầu ngân sách để mua 1 năm thuốc chống lao cho khoảng 100.000 bệnh nhân lao đã được phát hiện và điều trị là khoảng 117 tỷ đồng/năm. Nếu không được đầu tư, thuốc chống lao hàng 1 (miễn phí cho bệnh nhân) sẽ hết vào tháng 6-2014 và kinh phí được cấp từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2014 chỉ đáp ứng khoảng 3 tháng điều trị.

Theo TS Nguyễn Đức Chính, hiện nay giá thuốc chống lao theo phác đồ điều trị 8 tháng có hỗ trợ của Nhà nước là khoảng 50USD (1,1 triệu đồng), nhưng nếu mua ngoài, chi phí sẽ rất cao. Trong trường hợp không uống đầy đủ, đúng phác đồ, khả năng lao kháng thuốc sẽ tăng cao, chi phí tiền thuốc tối thiểu là 2.000 USD (tương đương hơn 40 triệu đồng/đợt điều trị) và hầu hết bệnh nhân khó có khả năng chi trả.

Một cản trở nữa trong công tác phòng chống lao nằm ở chính vấn đề nhận thức và sự chủ quan của người dân, của cộng đồng xã hội đối với căn bệnh này. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh, đang có một số lượng lớn bệnh nhân lao (ước tính khoảng 3 triệu người) trong cộng đồng nhưng chưa được phát hiện, điều trị. Một người bị lao nếu không được kiểm soát sẽ lây cho 10-15 người khác trong một năm. Đây chính là nguồn lây rất lớn trong cộng đồng. Thế nhưng ngay bản thân cộng đồng lại chưa tham gia tích cực vào hoạt động chống lao, cho rằng việc chăm sóc và điều trị lao là nhiệm vụ của riêng của ngành y tế. Thậm chí vẫn còn một bộ phận không nhỏ có định kiến, kỳ thị với người mắc lao và điều này tiếp tục kéo đến hệ lụy là bệnh nhân lao bỏ điều trị hoặc giấu bệnh.

Không được để thiếu thuốc điều trị

Tại hội nghị triển khai Chiến lược quốc gia Phòng chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 diễn ra cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế lưu ý đến việc xây dựng chế độ chính sách, mua sắm trang thiết bị, thuốc điều trị… để công tác phòng chống lao đạt hiệu quả cao nhất. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Bên cạnh sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, nếu cần thiết phải mua thì chúng ta cũng phải làm, phải đảm bảo đầy đủ thuốc điều trị, chữa miễn phí cho bệnh nhân lao. Với bệnh lao, dứt khoát không được thiếu thuốc".

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn