Bệnh bướu cổ xuất hiện thường do rối loạn tuyến giáp. Khi bị bướu cổ, người bệnh có thể sờ thấy khối u ở yết hầu, cảm giác vướng ở cổ, mệt mỏi, lo lắng. Trường hợp nặng, bệnh nhân sẽ khó thở, khó nuốt, khản tiếng, mất tiếng. Ban đầu, bướu rất nhỏ, nhìn qua không thấy, sờ nắn không đau, khi bệnh nhân ngửa cổ ra mới thấy rõ.
Một trường hợp bướu cổ.
Ở phương diện Tây y, bướu cổ là tình trạng xuất hiện một khối u lồi ở vùng cổ. Đặc biệt, khối u nằm ngay vùng cổ trước vì khu vực này có những cấu trúc dễ phát sinh thành bướu như tuyến giáp, ống giáp móng bẩm sinh. Hầu hết bệnh bướu cổ phát sinh từ các bệnh tuyến giáp như bướu giáp đơn thuần, viêm tuyến giáp hoặc bệnh ung thư tuyến giáp… Ở phương diện y học cổ truyền, bệnh bướu cổ phát sinh là do liên quan với đất, nước, nơi ở (vùng, miền) và tình chí (trạng thái tinh thần) thay đổi. Bệnh lý chủ yếu là đàm thấp và khí trệ: Người bệnh có tỳ khí kém, thêm ảnh hưởng của thức ăn càng tăng thêm khí trệ mà sinh bệnh. Hoặc do tức giận, thương can, can khí không thông đạt, uất nên sinh đờm, đờm khí kết ở cổ mà sinh bệnh. Đàm thấp và khí trệ là hỗ tương nhân quả cho nên khối u ngày càng to thêm.
Để điều trị bướu cổ, Tây y thường cho bệnh nhân sử dụng thuốc. Trong trường hợp nặng có thể dùng biện pháp i-ốt xạ trị hoặc phẫu thuật. Bên cạnh đó, Đông y tận dụng những vị thuốc thiên nhiên, hiệu quả, an toàn giúp cải thiện tình trạng bướu cổ như:
Hải tảo (rong biển): Là một loại thực phẩm giàu i-ốt và các chất dinh dưỡng tự nhiên, giúp nhuyễn kiên, tiêu đờm, lợi thủy, tiết nhiệt, tăng cường miễn dịch cơ thể. Vì vậy hải tảo có khả năng làm mềm khối u sưng trong các trường hợp bướu cổ. Người bệnh rửa sạch hải tảo 50g, thái nhỏ, cho vào nồi cùng gạo tẻ 100g đã vo sạch và cho 1 lít nước. Đun to lửa, sau đó bớt lửa, nấu thành cháo loãng, cho thêm muối vừa ăn. Mỗi ngày ăn hai lần vào buổi sáng và tối.
Hải tảo là dược liệu quý trong điều trị bệnh tuyến giáp.
Cháo ngũ vị: Đối với những trường hợp bướu cổ do bệnh cường giáp basedow, người bệnh cần bổ sung nhiều dinh dưỡng để cân bằng hệ miễn dịch của cơ thể. Có thể dùng bài thuốc sau: lúa mạch 150g, toan táo nhân 10g, ngũ vị tử 10g, mạch môn 19g, hạt sen 10g, long nhãn 10g. Toan táo nhân, ngũ vị tử giã vụn, sắc cùng với mạch môn, lấy nước đặc. Hạt sen bỏ tâm, nấu nhừ để riêng. Lúa mạch nấu thành cháo, khi sắp chín thì cho các vị kia vào, ăn mỗi ngày một bát.
Bên cạnh đó, bài thuốc gồm các vị: hải tảo (thành phần chính), khổ sâm, ba chạc, bán biên liên,
neem (xoan Ấn Độ) cũng rất tốt đối với bệnh tuyến giáp, trong đó có bướu cổ.
Bình luận của bạn