Đại sứ Pháp Jean-Noel Poirier và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại Lễ ký kết về việc Pháp giúp Hà Nội quản lý chất lượng không khí. Ảnh :Xuân Phú.
Báo động ô nhiễm không khí ở Hà Nội
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội ngang ngửa Bắc Kinh?
Mỗi năm hơn 5,5 triệu người chết sớm do ô nhiễm
Ô nhiễm không khí: Người lớn làm, trẻ con chịu!
Đầu tháng Tư vừa qua, Đại sứ quán Pháp và UBND TP.Hà Nội đã ký kết một văn bản Ghi nhớ về việc “Quản lý chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội”, trong đó có Pháp sẽ giúp lắp đặt hệ thống đo chất lượng không khí theo thời gian thực. Vậy xin ông cho biết chi tiết hơn về việc này và khi nào thì hệ thống trên đi vào hoạt động?
Đại sứ quán Pháp và UBND TP. Hà Nội rất quan tâm đến vấn đề này, đây là chủ đề hết sức quan trọng trong thời kỳ hiện đại. Chất lượng môi trường nói chung và chất lượng không khí nói riêng ngày càng được người dân quan tâm và đó là điều hết sức chính đáng.
Đại sứ Pháp Jean-Noel Poirier
Chúng ta có thể nhận thấy chất lượng không khí ở Hà Nội đang ngày càng giảm sút một cách nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu hỏi số liệu cụ thể để chứng minh thì lại chưa có. Pháp là một nước có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, vì vậy đã đưa đến ý tưởng làm sao Pháp hỗ trợ cho Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội, một hệ thống quan trắc chất lượng không khí.
Tuần trước, chuyên gia về chất lượng không khí của Cơ quan phát triển Pháp đã có buổi làm việc với TP. Hà Nội về vấn đề này. Tuy nhiên, dự án này không phải được xây dựng hoàn toàn từ đầu. Bởi Việt Nam cũng có một kế hoạch cụ thể trong lĩnh vực này. Vì vậy, chúng tôi phải làm việc với Hà Nội xem chúng ta phải làm việc theo hướng nào, hướng tới mục tiêu gì và triển khai ra sao, đương nhiên nó cũng phải phù hợp với kế hoạch mà Việt Nam đã vạch ra.
Trong quá trình chuẩn bị dự án, chúng tôi cũng có ý định mời một công ty chuyên về kiểm soát chất lượng không khí của thành phố Paris cùng tham gia tư vấn. Đây là một cơ quan quy tụ tất cả các bên liên quan đến vấn đề chất lượng không khí của Paris, bao gồm các quan chức thành phố, đại diện của các bộ hữu quan, đại diện các hiệp hội bảo vệ môi trường cũng như các ngành công nghiệp có phát thải ô nhiễm. Trên cơ sở tập hợp tất cả các bên liên quan đó, chúng tôi đo và thống kê các số liệu liên quan đến chất lượng không khí của Paris. Từ đó xây dựng các chính sách làm sao bảo đảm được chất lượng không khí của Paris. Tôi nghĩ, đây sẽ là một kinh nghiệm thú vị có thể chia sẻ với Hà Nội trong việc xây dựng dự án này.
Đại sứ Pháp Jean-Noel Poirier
Hiện tôi chưa thể khẳng định khi nào dự án sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành. Tuy nhiên chúng tôi đã bắt đầu các cuộc trao đổi với các bên hữu quan của Việt Nam và có thể khẳng định rằng đây là vấn đề ưu tiên của chúng tôi tại thời điểm hiện tại.
“Tôi hay bị viêm họng khi ở Hà Nội”
Mới đây, báo chí cũng đưa tin về mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội vào một số ngày đầu tháng 3/2016 đã lên tới mức nguy hại. Là người đã sống và làm việc ở Hà Nội nhiều năm, ông cảm nhận sự ô nhiễm đó như thế nào?
Quả thực, mọi người đều cảm thấy sự xuống cấp về chất lượng không khí tại Hà Nội. Cá nhân tôi đã sống 4 năm ở đây rồi, nên cảm nhận của tôi cũng giống như những người dân sống ở đây thôi. Tôi thấy rằng, trong năm có một vài thời điểm chất lượng không khí đặc biệt kém.
Bản thân tôi khi ở Hà Nội rất hay bị viêm họng, nhưng nếu có dịp đi công tác Đà Lạt hay về Pháp thì những biểu hiện đó lại hết ngay. Tất nhiên đây chỉ là triệu chứng của một cá nhân thôi, nhưng ở mức độ nào đó chúng ta có thể cảm nhận được mức độ ô nhiễm của Hà Nội. Bây giờ cần những con số thống kê, đo lường bởi những cảm nhận thì không thể khẳng định được điều gì.
Thực ra Hà Nội đã có những trạm quan trắc, tuy nhiên số lượng rất ít. Theo tôi biết, ít ra là có 2 trạm, một của Đại sứ quán Mỹ và một của Trường Quốc tế Liên Hợp Quốc. Theo số liệu của 2 trạm này, hai tháng qua chất lượng không khí ở Hà Nội là kém thậm chí rất kém, nói một cách hình ảnh nó tương đương mức độ ô nhiễm ở Bắc Kinh.
Cơ chế liên bộ để giải quyết ô nhiễm không khí
Trong lần trả lời phỏng vấn hồi tháng 3/2016, một quan chức của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) thừa nhận: “Hiện nay, việc quản lý các vấn đề môi trường ở Việt Nam rất manh mún”. Ví dụ như môi trường không khí có tới 3 bộ phụ trách: Bụi từ công trình xây dựng do Bộ Xây dựng quản lý; Khí thải xe máy, ô tô do Bộ GTVT phụ trách; còn lại mới do Bộ Tài nguyên và Môi trường đảm nhiệm. Xin ông chia sẻ kinh nghiệm quản lý của Pháp về chất lượng không khí?
Phát thải gây ô nhiễm không khí có nhiều nguồn, nhiều bên khác nhau. Cái khó nhất là làm sao quy tụ được tất cả các bên liên quan cùng ngồi với nhau để tìm ra giải pháp, chứ không thể có những giải pháp riêng lẻ cho từng bộ ngành được. Ở Pháp của chúng tôi cũng vậy thôi, thông thường chúng tôi có một cơ chế liên bộ. Cơ chế đó chúng tôi nghĩ là hiệu quả và không thể tránh được. Khi có vấn đề mang tính liên ngành, chúng tôi sẽ thành lập một ủy ban hoặc cơ quan trực thuộc Thủ tướng. Cơ quan này có thẩm quyền liên bộ, tập hợp được các bên liên quan để đề ra giải pháp chung.
Người đứng đầu cơ quan liên bộ này của chúng tôi thường là một nhân vật độc lập có uy tín. Độc lập ở đây là người đứng đầu không phải là một quan chức đang công tác trong ngành, để tránh sự ảnh hưởng của các cơ quan hành chính hiện tại. Có thể là một cựu bộ trưởng hoặc một chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu hay hoạt động doanh nghiệp.
Những gì nhân vật này làm trong quá khứ khiến họ có được uy tín khi đưa ra các quyết định hoặc khi điều hành công việc. Thay vì bổ nhiệm một quan chức đương nhiệm thì chúng tôi bổ nhiệm một người đã không còn phụ thuộc trực tiếp vào cơ quan hành chính nữa để họ có được tính độc lập hơn. Đương nhiên, người này phải có uy tín nhất định trong lĩnh vực liên quan.
Cảm ơn ông.
Bình luận của bạn