Tháng 8/2011, Chi cục QLTT tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát hiện, bắt giữ 3 vụ vận chuyển mực khô xé không nguồn gốc trên các xe khách chở hàng từ Bắc vào Nam tiêu thụ. Tổng số mực khô thu giữ lên tới 840 kg. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thừa Thiên Huế sau khi thử nghiệm thông thường bằng cách đốt thì thấy không có mùi thơm đặc trưng của mực nướng mà thay vào đó là mùi khét lẹt của polymer và cháy đen.
Mực giả vẫn tồn tại và được bán với giá rẻ hơn
Chi cục đã lấy mẫu gửi Viện Kiểm nghiệm thực phẩm Trung ương để kiểm định, đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng loại thực phẩm này. Tuy nhiên, hiện nay, loại mực khô giả này vẫn âm thầm tồn tại và được bán với giá rẻ hơn, khiến nhiều người dân vẫn bị mắc lừa.
Cuối tháng 8/2013, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị đã giữ lô hàng chưa xác định được chủ sở hữu gồm 30 bao (tương đương 1,5 tấn) mực khô xé sợi. Số hàng này không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Sau khi đưa mẫu đi kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện toàn bộ lô hàng 1,5 tấn trên đều là mực giả, thành phần không đúng với nguồn gốc tự nhiên của con mực. Khi tiêu hủy 1,5 tấn mực khô giả này thì thấy “cháy như cao su”.
Dùng tay kéo căng các miếng mực giả này thì thấy có sự đàn hồi giống dây chun cao su
Sau nhiều tháng tạm lắng thì gần đây, ngày 17/7, công an Hà Nội bắt được lô hàng nghi vấn gồm 38 bao tải dứa màu xanh chứa mực khô đóng túi dạng xé nhỏ với tổng khối lượng là 1,7 tấn.
Các miếng mực này có mùi thơm giống như mực thật, nhiều miếng có chiều dài bất thường lên tới hàng chục cm. Dùng tay kéo căng các miếng mực giả này thì thấy có sự đàn hồi giống dây chun cao su. Hơn nữa, các miếng mực xé sẵn phẳng, nhẵn hơn và không có gân giữa sống lưng giống mực khô thật.
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, lô hàng 1,7 tấn mực khô giả chứa 30,6% protein, 69,4% chất chưa xác định được, nghi là cao su non.
Bình luận của bạn