"Bố mẹ không nên trì hoãn tiêm văcxin ngừa cúm cho con", trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Henry Bernstein, phát biểu trong một thông cáo do Viện Hàn lâm nhi khoa Mỹ mới đưa ra. "Virus cúm khó lường và điều quan trọng là nhận được văcxin sớm sẽ giúp cơ thể được bảo vệ khi virus bắt đầu lưu hành", ông nói. Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ thông báo đã cấp phép cho một loại văcxin cúm 1 trong 4, và ngừa thêm được một virus cúm nhóm B.
Số liệu thống kê cho thấy, khoảng 3.000-49.000 người chết vì cúm mỗi năm ở Mỹ, tới 200.000 người ốm nặng tới mức phải nhập viện vì nhiễm virus này. Mức độ bệnh nặng nhẹ khi mắc cúm có thể phụ thuộc vào các chủng virus lưu thông trong khu vực. Suốt mùa cúm năm ngoái, hơn 160 trẻ Mỹ đã chết vì bệnh này. Đó là lý do tất cả các bác sĩ nhi khoa đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm văcxin trước khi trẻ bắt đầu đến trường, khi nhiều loại vi trùng có thể lây lan trong môi trường. Với trẻ mới sinh và trẻ nhỏ, cách bảo vệ tốt nhất là người mẹ tiêm phòng cúm khi mang thai để ngăn virus truyền cho trẻ. Quá trình mang thai thường ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của bà mẹ tương lai với các biến chứng sức khỏe có thể gây tử vong cho trẻ.
Để giúp trẻ cảm thấy tốt hơn trong thời gian bị cúm, nên:
- Cho trẻ uống nhiều chất lỏng (sốt thường đi liền với cúm, có thể làm mất nước). Nếu bé không thể uống nhiều nước lọc, bạn có thể xay đá kèm hoa quả mềm như dưa hấu hoặc nhỏ để con thích uống hơn.
- Khuyến khích trẻ nghỉ ngơi trên giường hay trên ghế, với sách, tạp chí, nhạc êm dịu hay một bộ phim bé thích (với trẻ lớn).
- Cho bé uống acetaminophen hay ibuprofen để giảm đau nhức nhưng không cho dùng aspirin trừ phi bác sĩ trực tiếp hướng dẫn bạn làm thế.
- Mặc cho bé đồ thoáng mát, dễ cởi để dễ dàng thêm vào hay bớt đi khi bé ớn lạnh hoặc sốt.
- Chăm sóc chính mình và những thành viên khác trong gia đình. Ngoài ra, bạn và người thân nên tiêm phòng cúm. Tương tự, rửa sạch tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi dọn khăn giấy đã dùng.
Nên đưa đến viện khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau:
- Khó thở và không đỡ khó thở ngay cả sau khi hút và làm sạch mũi.
- Da bắt đầu chuyển sang hơi xanh hoặc xám.
- Bé ốm nặng hơn những ngày trước. Trẻ không thể phản ứng như thông thường, ví dụ không thể khóc hoặc không giao tiếp mắt với mẹ hoặc trẻ bơ phờ, hôn mê.
- Trẻ không uống được nước hoặc có dấu hiệu mất nước. Dấu hiệu phổ biến của mất nước bao gồm không có nước mắt khi khóc, giảm lượng nước tiểu, khó chịu, mệt mỏi.
- Co giật.
Bình luận của bạn