Nên biết: rượu và thuốc chẳng "chung đường"

Anh Tiến (Lý Nhân, Hà Nam) bị bệnh viêm gan B đã nhiều năm. Bản thân anh luôn ý thức rất rõ về căn bệnh nguy hiểm này. Nghe thầy thuốc dặn, anh không đụng tới bất cứ giọt rượu nào và sức khỏe được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, Tết năm nay là một dịp đặc biệt của gia đình bởi con gái anh lên xe hoa vào mùng 6 Tết. Ngày vui lớn trong đời, anh không thể kìm chế không bia rượu với bạn bè đến dự. Anh tự biện minh rằng “Uống rượu bia song song với dùng thuốc thì có thể bệnh không thuyên giảm là mấy, nhưng ít nhất nó chững lại ở đó, không khiến sức khỏe thêm trầm trọng”.

Nhưng chỉ sau 3 ngày cưới con, anh lên cơn đau quặn bụng, cả gia đình hốt hoảng đưa anh vào bệnh viện tỉnh. Các bác sĩ phát hiện gan anh Tiến đã bị ngộ độc nặng, phải chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Bệnh lúc này không chỉ là viêm gan virus B nữa mà có dấu hiệu xơ gan nặng.

ruou2-8084-1392354450.jpg
Mải rượu bia, đàn ông ít khi để ý đến việc có gây hại hay không. Ảnh: Phan Dương

Ham vui vào dịp Tết, ông Ánh (Thường Tín, Hà Nội) cũng uống bia rượu mặc dù biết mình có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp. Để đảm bảo là bệnh không tiến triển xấu, ông nghĩ phải uống thuốc trước khi uống rượu. Vậy là ông dự phòng bằng cách uống cả một vốc thuốc chữa cao huyết áp, tim mạch.

Uống rượu xong, ông Ánh thấy nóng bừng mặt và cảm giác cồn cào trong gan ruột. Hết nửa chai, ông đứng lên và thấy lao đao. Bước được vài bước loạng choạng thì ông ngã lăn ra đất ngất xỉu, người lạnh toát khiến ai cũng kinh hãi. Ông Ánh nhanh chóng được chuyển đến bệnh viện gần nhà do huyết áp tăng vọt. Ngoài ra, bác sĩ còn phát hiện ông bị bệnh viêm gan B.

Tiến sĩ y học Đinh Quý Lan (Chủ tịch Hội khoa học gan mật Việt Nam) nhận định, rượu bia đã trở thành quốc nạn với người dân, là nguyên nhân của nhiều vấn đề: bệnh tật, tai nạn giao thông, hạnh phúc gia đình…

“Uống nhiều bia rượu khiến lá gan bị tổn thương, từ đó gan dễ bị nhiễm mỡ. Nếu tiếp tục uống thì người bệnh sẽ bị viêm gan, tế bào gan bị hoại tử và tổ chức xơ gan hình thành. Hậu quả là gan không thực hiện được chức năng. Các xét nghiệm men gan tăng, Bilirubin tăng..., xơ gan nặng hoặc ung thư gan thì sớm hay muộn cũng đều chết”, tiến sĩ Lan nói.

Chuyên gia cho biết thêm, Việt Nam mới ghép được gan cho 37 bệnh nhân trong vòng 10 năm trở lại đây với giá khoảng 1,5 tỷ cho mỗi ca, trong khi mỗi năm cả nước có khoảng 20.000 người bị ung thư gan tử vong, chủ yếu do virus viêm gan B, C và xơ gan do rượu.

“Bị bệnh gan rồi mà còn uống bia rượu, dù có uống thuốc song song thì không có thuốc nào giải quyết được. Bản thân thuốc đối phó virus cũng khó khăn sẵn rồi, giờ lại thêm rượu, tức là thêm độc vào cho gan”, tiến sĩ Lan lý giải.

Ông cũng cho biết các loại thuốc kháng virus B, C uống vào cùng rượu chỉ có hại cho bệnh nhân mắc bệnh gan. Cụ thể, những loại thuốc kháng virus (như Tenofovir, Entecavir…) là thuốc điều trị viêm gan virus B. Khi sử dụng nhiều rượu, trong máu có nhiều acetaldehyd dẫn đến bất lợi cho gan, do vậy không phát huy tác dụng của những thuốc này.Đặc biệt đối với các loại thuốc chứa Acetaminofen để điều trị giảm đau, hạ nhiệt, rượu là tác nhân làm tăng độc tính của thuốc này đối với gan, thận.

Ngoài bệnh gan, ông Lan khẳng định rượu còn gây tác hại khôn lường cho các bệnh khác như rối loạn tâm thần và hành vi, thoái hóa hệ thần kinh, gây nhiễm độc cho cơ thể và các bệnh dạ dày, tụy, tim… Tuy nhiên, gan sẽ bị tổn thương cơ bản và nặng nề nhất từ rượu. Bởi lẽ, 95% rượu được chuyển hóa qua gan.

Từ đó, chuyên gia khuyên mọi người không nên lạm dụng bia rượu. Với những người mắc bệnh gan, tim mạch, tụy, dạ dày, suy nhược thần kinh… thì phải kiêng rượu hoàn toàn mới tạo được bước đầu thuận lợi trong điều trị bệnh.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn