Nghịch lý dinh dưỡng toàn cầu

Theo ước tính của Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc, có gần 870 triệu người trong tổng số 7,1 tỷ dân toàn cầu (1/8) bị thiếu dinh dưỡng thường xuyên trong giai đoạn 2010-2012. Phần lớn trong số này, 852 triệu người, sống tại các nước đang phát triển.


Ảnh minh họa.

Điều đáng nói là ngoài những nước có thành tích nổi bật về xóa đói giảm nghèo được LHQ công nhận như Venezuela, Mexico, Cuba, Ghana, Thái Lan và Việt Nam, không ít nước có nền kinh tế mới nổi hàng đầu và là nhà xuất khẩu lương thực lớn của thế giới vẫn có một tỷ lệ đói và suy dinh dưỡng đáng kể. Brazil là nước xuất khẩu đậu nành và gia cầm hàng đầu thế giới. Theo báo cáo của Tổ chức sáng kiến thu hoạch toàn cầu đưa ra hôm 16-10, sản lượng nông nghiệp của Brazil tăng 120% trong vòng 20 năm qua và nước này được xem là điển hình thành công về tự do thương mại và tăng cường đầu tư công nghệ trong khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, theo thống kê của LHQ, 7% dân số của Brazil bị suy dinh dưỡng. Còn theo báo cáo năm 2010 của Viện quốc tế phát triển bền vững, 1/3 dân số Brazil đối mặt với thiếu ăn. Điều nghịch lý là hầu hết lượng đậu nành và gia cầm của Brazil được xuất khẩu sang Trung Quốc để phục vụ cho tầng lớp trung lưu nước này.

Ấn Độ cũng là một trường hợp đặc biệt. Bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhiều năm, đưa nền kinh tế lớn ở châu Á này thành hiện tượng của những năm đầu thế kỷ 21, tỷ lệ suy dinh dưỡng và thiếu ăn của trẻ em Ấn Độ đang là thách thức lớn của nước này. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh không ngần ngại gọi tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Ấn Độ là “nỗi hổ thẹn quốc gia” và xem điều này là “không thể chấp nhận”. Theo báo cáo của Tổ chức xã hội Naandi Foundation tại Ấn Độ trong năm 2012, tình trạng nhẹ cân của trẻ em dưới 5 tuổi của Ấn Độ giảm từ 53% xuống còn 42%.

Tuy nhiên, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ cao bất thường tại 100 quận, huyện, có nơi số trẻ em suy dinh dưỡng lên đến trên 40%. Theo bảng chỉ số thiếu đói toàn cầu 2013 (GHI), Ấn Độ có 21,3 điểm, được liệt vào nhóm “mức độ báo động” về đói. Ở châu Á, ngoài Ấn Độ còn có Haiti và Timor-Leste nằm trong nhóm này bên cạnh các nước vùng Hạ Sahara của châu Phi. Nhận thức được vấn đề, gần đây, Chính phủ Ấn Độ đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó có chương trình tăng cường dinh dưỡng cho trẻ em tại 200 quận, huyện, trợ giá lương thực cho người nghèo.

An ninh lương thực và nguồn dinh dưỡng cho trẻ em đang là thách thức không chỉ với những nước nghèo, chậm phát triển mà cả đối với các nền kinh tế lớn của thế giới với dân số lớn như Ấn Độ và Brazil. Dự báo trong vòng 50 năm tới, thế giới phải đảm bảo lương thực cho thêm 3 tỷ người trong khi đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp và thiên tai ngày càng dày. An ninh lương thực của mỗi quốc gia làm sao phù hợp với an ninh lương thực toàn cầu. Rõ ràng bài toán an ninh lương thực vẫn sẽ khó có lời giải trong một sớm một chiều.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn