Người chăn nuôi "kêu cứu"


Ảnh minh họa

Tất nhiên, gia cầm mắc bệnh nguy hiểm và có nguy cơ lây lan thì phải tiêu hủy. Tuy nhiên đối với người chăn nuôi, những con vật đó là tài sản, là thứ đem lại cho họ nếu không phải là sự giàu có, thịnh vượng thì ít nhất cũng là cái ăn, cái mặc, nói chung là những cái cần thiết cho cuộc sống hằng ngày. Tiêu hủy gia cầm do mắc bệnh cũng đồng nghĩa với việc người chăn nuôi mất cơ hội làm ăn, trước mắt là mất phương tiện sinh sống. Tâm lý tự nhiên xót của khiến người chăn nuôi chẳng nỡ xuống tay triệt bỏ những con vật nuôi của mình, trái lại người ta tìm mọi cách để cứu được đồng nào hay đồng ấy.

Nhà chức trách cần có biện pháp tích cực hỗ trợ dành cho người chăn nuôi gia cầm trong bối cảnh dịch bùng phát. Trước hết gia cầm phải được tiêm chủng đầy đủ và đúng chủng loại. Trong trường hợp gia cầm mắc dịch cần được tiêu hủy, cơ quan chức năng phải chủ động tiến hành việc cách ly và tổ chức vận chuyển đến nơi tiêu hủy tập trung. Người chăn nuôi, về phần mình, được cấp một khoản tiền, ít nhiều tương đương với số tiền bán rẻ gia cầm, mang ý nghĩa bù đắp hợp lý phần thiệt hại do tài sản bị tiêu hủy. Bởi lẽ thiên tai, dịch bệnh là điều không ai mong muốn, Nhà nước và cộng đồng phải cùng chia sẻ với người gặp nạn.

Vả lại, là người có điều kiện theo dõi tường tận các sự kiện, biến cố xảy ra trên lãnh thổ đặt dưới quyền quản lý, nhà chức trách có khả năng phân tích, dự báo tình hình. Bởi vậy, nhà chức trách có nghĩa vụ cung cấp thông tin cần thiết cho xã hội, đồng thời hướng dẫn cho xã hội về cách ứng phó thích hợp. Trong dông bão cúm gia cầm, người dân, nhất là người chăn nuôi, cần có thông tin đáng tin cậy cho phép hình dung chính xác bức tranh tổng thể về dịch bệnh, cũng như để biết phải hành động thế nào để ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.

Cho đến nay, người dân nói chung và người chăn nuôi nói riêng chưa nhận được đầy đủ những thứ đó. Lượng vaccine phòng dịch tồn trữ được biết là chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu tiêm chủng. Mức hỗ trợ tiêu hủy gia cầm theo quy định của pháp luật chỉ bù đắp được một phần rất nhỏ thiệt hại thực tế, chưa nói đến việc thực thi không nghiêm chỉnh chính sách hỗ trợ ở nơi này, nơi nọ khiến người chăn nuôi gần như mất trắng sau khi tiêu hủy đàn gia cầm của mình.

Đáng nói hơn hết là người ta có cảm giác loay hoay, thậm chí mất phương hướng trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành. Dịch lây lan theo hướng nào? Mức độ nghiêm trọng ra sao? Nguy cơ đối với gia cầm của mình đến đâu? Mình phải làm gì cụ thể để được coi là có thái độ phòng chống dịch tích cực?... là những câu hỏi mà người dân không tự trả lời được, trong khi thái độ của những người được cho là có trách nhiệm lại không dứt khoát, quyết đoán.

Đây đó, người ta thấy gia cầm được vận chuyển để tiêu thụ theo mọi cách có thể. Thị trường gia cầm và cả trứng gia cầm có xu hướng trở nên hỗn loạn, không thể kiểm soát được do tình trạng vàng thau lẫn lộn. Đừng để người chăn nuôi gánh hết hậu quả nặng nề của cơn dịch mang tên "cúm gia cầm".

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn