Người dân mù mờ thông tin về mỹ phẩm chứa chất cấm

Nhiều sản phẩm có chứa chất cấm vẫn đang được lưu hành trên thị trường

Mỹ phẩm chứa chất bảo quản Paraben sẽ bị thu hồi từ 31/7

22.000 loại mỹ phẩm sẽ bị ngưng lưu hành từ 30/7

Đình chỉ lưu hành 24 mỹ phẩm nhãn hàng Chamomile Spa TX

Thông tin về các acid trong mỹ phẩm bạn nên biết

Ít người quan tâm

Theo công văn từ Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, từ ngày 31/7, sẽ áp dụng lộ trình của cộng đồng ASEAN về việc quản lý mỹ phẩm chứa dẫn chất paraben. Quy định chung của ASEAN nêu rõ, sau ngày 31/7/2015, các sản phẩm mỹ phẩm trong thành phần công thức có chứa 5 dẫn chất Paraben gồm Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben, Pentylparaben không được tiếp tục lưu hành trên thị trường. Riêng chất bảo quản rất phổ biến ở mỹ phẩm là Methylchlorothiazolinone và Methylisothiazolinone (MCT+ MIT) ở tỷ lệ 3/1 chỉ được sử dụng trong sản phẩm tẩy rửa với nồng độ 0,0015% và không được dùng trong mỹ phẩm. 

Những nguy hại đã rõ, “lệnh cấm” được ban hành, nhưng người tiêu dùng vẫn không hay biết hoặc có biết nhưng không quan tâm. 

Paraben là chất kháng khuẩn và kháng nấm, được dùng làm chất bảo quản để ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn (do nấm hoặc vi khuẩn) và hạn chế sự phân hủy của các hoạt chất dẫn đến giảm hiệu quả của thuốc, mỹ phẩm.

Dạo qua một lượt các cửa hàng bán mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp, phóng viên thấy không ít sản phẩm có chứa chất bảo quản có chứa dẫn xuất của Parabenhoặc hợp chất bảo quản MCT + MIT. Không chỉ có tại các của hàng kinh doanh mỹ phẩm nhỏ, tại các siêu thị lớn như Vinmart, Big C... người tiêu dùng cũng không khỏi hoa mắt bởi cả trăm sản phẩm được bày bán trên kệ như sữa rửa mặt, sữa dưỡng thể, kem dưỡng trắng da, nước tẩy rửa, dầu gội đầu chứa 2 chất cấm trên.

Chị Nguyễn Thị Hoàn (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết: “Tôi và bạn bè khi đi mua mỹ phẩm thường mua những sản phẩm cảm thấy hợp với da mình chứ ít khi quan tâm đến thành phần công bố trên sản phẩm. Có nhiều sản phẩm thấy bạn bè bảo tốt nhưng mua về dùng lại thấy ko hợp nên chỉ lựa chọn theo thói quen thôi”.

Cũng cùng suy nghĩ với chị Hoàn là chị Trần Thị Thùy Dung (Cầu Diễn – Từ Liêm). Chị Dung chia sẻ: “Tôi có nghe trên tivi và đọc báo thấy bảo một số sản phẩm như nước rửa tay, khăn ướt, mỹ phẩm có chứa chất cấm, nhưng mà nghe xong rồi thôi chứ làm sao mà nhớ được mấy chất đó khi đi mua hàng để mà soi nhãn sản phẩm chứ. Cùng lắm khi đi mua hàng chỉ để ý đến công dụng, tên nhãn hiệu với giá cả thôi”. 

Nhiều người thường lựa chọn mỹ phẩm theo thói quen, ít khi xem thành phần

Không chỉ người kinh doanh mù mờ về các chất cấm trong mỹ phẩm mà các chủ cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm cũng bất ngờ, không biết những sản phẩm mà mình đang bán chứa dẫn chất paraben nguy hại. Chị Q.P (chủ cửa hàng mỹ phẩm trong ngõ 165, Cầu Giấy), chia sẻ: “Tôi chưa thấy các nhà phân phối nói gì về chuyện ngừng lưu hành, cũng chưa nhận được công văn hay giấy tờ gì về việc cấm các sản phẩm cả. Hầu hết những sản phẩm nhà tôi dùng như dầu gội đầu, sữa tắm, sữa rửa mặt... tôi cũng lấy từ cửa hàng về, dùng gần 10 năm rồi có thấy sao đâu?” 

Ung thư, vô sinh từ những sản phầm dùng hàng ngày

Theo các chuyên gia hóa dược, các dẫn xuất Parabens và MCT + MIT đã được cảnh báo nguy cơ gây ung thư, dị ứng, rối loạn hormone từ năm 1998. Ủy ban Mỹ phẩm cộng đồng châu Âu nghi ngờ chất isoparaben (dẫn chất của Parabens) có thể gây ung thư vú. Theo PGS.TS Trương Văn Tuấn - Chủ tịch Hội Dược sỹ bệnh viện TP.HCM: "Nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới chứng minh Parabens là chất gây mất cân bằng nội tiết tố, lâu dài có thể gây ung thư".

GS.TS.BS Lê Ngọc Diệp - Trưởng phòng khám da liễu, cơ sở 2 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM lý giải: “Các Paraben bị cấm là các chất bảo quản rẻ tiền nên có mặt trong nhiều loại mỹ phẩm như: Kem dưỡng da, mascara, nước tẩy trang, kem cạo râu; Hay cả những sản phẩm dùng cho trẻ em như: Khăn ướt, sữa tắm... Tuy nhiên, gần đây đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy các chất này có thể nguy hiểm cho sức khỏe và tác động đến hệ nội tiết. Đối với 5 loại paraben bị cấm, đây vốn là dạng biến thể của dầu hỏa, được sử dụng rộng rãi nhất trong các mỹ phẩm để sản phẩm lâu bị nấm mốc, hư hại. Tuy nhiên, 5 Paraben này có hoạt tính giống như nội tiết tố estrogen của phụ nữ nên có thể làm rối loạn cân bằng nội tiết tố; Gây viêm da kích ứng. Paraben bị cấm còn có khả năng gây ung thư vú, loãng xương và cả những triệu chứng của người bị mãn kinh như: Kinh nguyệt không đều, bốc hỏa...”.

Theo PGS.TS Lê Văn Truyền - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế: "Nhà sản xuất cần có kế hoạch chủ động loại trừ các paraben ra khỏi sản phẩm của mình, sử dụng các chất bảo quản an toàn hơn cho sức khỏe người tiêu dùng. Hiện nay nhiều chất bảo quản có thể thay thế hoàn toàn các paraben và MCT + MIT. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần tăng cường hậu kiểm để xác định các thành phần ghi trên nhãn có đúng như công bố của nhà sản xuất hay không".

Theo ông Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế: "Cục Quản lý Dược đã khuyến cáo các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm rà soát thành phần công thức của các sản phẩm đã công bố để tự thu hồi các sản phẩm mỹ phẩm có chứa 5 dẫn chất này khỏi thị trường theo đúng lộ trình quy định. Từ ngày 31/7 việc thu hồi các sản phẩm mỹ phẩm chứa paraben sẽ được tiến hành trên toàn quốc. Sau ngày 31/7, nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân nào vi phạm khi tiếp tục kinh doanh, sản xuất sản phẩm mỹ phẩm trong thành phần công thức có chứa Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben, cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm trước pháp luật.

Thanh Tú H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội