Người đưa mứt trái bần ra thị trường thế giới


Sinh ra và lớn lên giữa vùng cù lao Long Trị, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh (Trà Vinh), từ thời thiếu nữ cho đến lúc tạo lập mái ấm riêng, chị Tư Cúc luôn nếm trải những tháng ngày nhọc nhằn để mưu sinh. Có lẽ cũng chính vì thế mà chị rèn luyện được một đức tính cần mẫn, chịu thương chịu khó, không bó gối trước cảnh nghèo.

Chị kể, năm 1980, gia đình chị bắt đầu lâm vào cảnh khó khăn tột đỉnh. Bởi, ba công ruộng trên đầu cù lao bị con sông Cổ Chiên "nuốt" mất, trong khi chị chỉ còn một mình gồng gánh gia đình có cha mẹ già và hai con nhỏ. Không còn đất sản xuất, chị phải gom chút ít tiền dành dụm được để dựng lên cái quán nước trước nhà, rồi bán thêm ít đồ tạp hóa đắp đổi cuộc sống qua ngày.

Long Trị những năm 2000, dấy lên phong trào lập vườn cây ăn quả, cộng thêm cù lao được bao quanh bốn bề là lá dừa nước và những rặng bần chạy dài cao vút, tạo nên môi trường sinh thái với phong cảnh hữu tình, thu hút ngày một nhiều du khách yêu thích thiên nhiên xanh đến với đất cù lao.

Cũng chính từ đây đã tạo cơ duyên cho chị làm nên thương hiệu bột bần Thủy Tiên-Tư Cúc nổi tiếng. Chị nhớ lại: "Lúc đó, có đoàn khách ghé vào quán uống nước và nhờ tôi nấu cho một bữa ăn trưa có món lẩu chua cá bông lau. Có một người trong đoàn yêu cầu tôi hái quả bần sẵn có quanh quán để nấu thay cho me. Theo ý khách, tôi làm và không ngờ sau khi thưởng thức ai nấy đều tấm tắc khen ngon. Từ đó, tôi mở thêm quán ăn để phục vụ du khách, với món đặc biệt của quán là lẩu cá ngát, cá bông lau nấu chua bần. Kinh tế gia đình cũng từ ấy bước sang trang mới".

Nhu cầu thực khách thì ngày càng nhiều, nhưng cây bần chỉ cho quả từ tháng Bảy đến tháng Giêng Âm lịch, quả bần chín lại không thể bảo quản được lâu. Cái khó đã buộc chị phải suy nghĩ làm cách nào để bảo quản được quả bần?... Trằn trọc nhiều đêm, cuối cùng chị tự nghĩ cách là xay nhuyễn quả bần thành bột để bảo quản, dự trữ. Nghĩ thì dễ, nhưng khi bắt tay vào làm thật không dễ chút nào.

"Lúc đầu, tôi để nguyên quả nấu cho mềm rồi chà nhuyễn, nhưng chỉ vài tiếng sau là sản phẩm chuyển sang màu đen. Thấy vậy, tôi để nguyên trái sống rồi chà bỏ hột đem nấu, nhưng lần này thì bột bị cát vì vỏ quả bần có màng cát không sử dụng được ", chị cho biết.

Thất bại nhiều lần nhưng chị vẫn không nản lòng mày mò tìm phương cách chế biến. Cuối cùng chị cũng làm ra được bột lẩu bần. Lúc đầu, chị chỉ tính làm bột bần để dành bán quán vào mùa bần không có quả, chứ không hề nghĩ làm để bán đại trà. Nhưng cứ hết đoàn khách này đến đoàn khách khác đến quán, sau khi ăn món lẩu thấy ngon nên cứ hỏi mua đem về. Thấy nhu cầu của khách ngày càng nhiều, nếu làm thủ công thì không thể nào đáp ứng cho đủ, nên chị tìm đến các thợ cơ khí bày tỏ ý tưởng của mình về những cái máy cho các công đoạn như đánh quả bần, máy tách hạt, máy khuấy bột bần… rồi thuê họ làm.

Chị còn nhờ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Trà Vinh tư vấn về quy trình kỹ thuật sản xuất sản phẩm sạch, an toàn, thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền…

Thấy sự sáng tạo của chị và sản phẩm bột bần rất có triển vọng trên thị trường nên Trung tâm còn hỗ trợ thêm cho chị tổ chức trình diễn kỹ thuật sản xuất và tiếp cận thị trường. Tháng 8/2009, sản phẩm bột lẩu bần của chị đã được công nhận bảo hộ nhãn hiệu độc quyền.

Tiếng thơm thì được đồn xa, kể từ xây dựng được thương hiệu Thủy Tiên-Tư Cúc, sản phẩm bột lẩu bần của chị càng ngày được nhiều người tiêu dùng khắp tỉnh, thành Nam Bộ biết đến và tìm mua. Trong này, sự thành công lớn nhất là hệ thống siêu thị như Co.opmart, Metro đã ký kết thu mua sản phẩm để phục vụ nhu cầu khách hàng.

Không dừng lại ở đây, chị tiếp tục nghiên cứu tạo thêm một sản phẩm mới là mứt bần. Sản phẩm mứt bần trong 5 năm qua không chỉ được lòng khách hàng trong nước, mà còn vươn xa đến nước Đức, Canada thông qua hợp đồng thu mua của 2 người Việt kiều quê tại Trà Vinh.

Bình quân mỗi tháng cơ sở của chị cung ứng cho thị trường 3 tấn bột lẩu bần và hơn 1 tấn mứt bần.

Để có đủ nguồn nguyên liệu sản xuất, mỗi ngày cơ sở sản xuất của chị thu mua hơn 200kg bần chín từ khắp nơi đem đến với giá 4.000 đồng/kg; thuê mướn 10 lao động tại địa phương đảm nhận các công đoạn sản xuất với mức lương 2 triệu đồng/người/ tháng.

Chị cho biết thêm hiện nay ngoài hai sản phẩm chủ lực là mứt bần, bột bần, chị còn nghiên cứu sản xuất thành công sản phẩm rượu bần, kẹo bần và nước mắm chấm được chiết xuất từ bột bần. Các sản phẩm mới này chỉ còn chờ ngành chuyên môn thẩm định về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là được đưa ra thị trường phục vụ khách tiêu dùng.
songha
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Kinh doanh - Tiêu dùng