Có thể điều trị dự phòng lây nhiễm cho bệnh nhân HIV. Ảnh: HIV.
Đây là kết luận của nghiên cứu mang tên PARTNER, được trình bày trong hội nghị về HIV mới đây ở Boston.
Công trình nghiên cứu dài hơi này kéo dài trong 5 năm bắt đầu từ năm 2012. Các nhà khoa học đã thực hiện phương pháp nghiên cứu đoàn hệ trên các đôi có tình trạng nhiễm HIV khác nhau (một người nhiễm và một người không nhiễm HIV). Công trình thăm dò này nhằm trả lời cho câu hỏi: Người nhiễm HIV vẫn quan hệ tình dục ngả âm đạo và hậu môn có thể trở thành “người không lây” nếu họ được điều trị kháng virus và khống chế tốt nồng độ virus trong máu ở mức dưới 200 phiên bản virus/ml máu hay không?
Nhóm nhà khoa học đã theo dõi trên 1.110 đôi hội đủ 2 điều kiện:
- Người nhiễm HIV đang điều trị kháng virus, có kết quả xét nghiệm nồng độ virus lần gần nhất dưới ngưỡng phát hiện, tức là dưới 200 phiên bản virus/ml máu. (Trong kỹ thuật xét nghiệm virus có một ngưỡng giới hạn nhất định mà người ta không thể phát hiện được HIV, còn được gọi là ngưỡng phát hiện. Đó là tình trạng virus đã hiện diện trong máu nhưng với số lượng thấp đến nỗi xét nghiệm không thể đo được).
- Bạn tình âm tính không điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (Post exposure prophylaxis) và kể cả điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (Pre-exposure prohylaxis).
Sau 2 năm đầu nghiên cứu ghi nhận, số lần tham dự viên quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su khoảng 30.000 lần (16.400 trên nhóm nam đồng tính và 14.000 trên nhóm nam nữ dị tính). Trong khi kết quả thống kê sơ bộ cho thấy không có trường hợp nào bạn tình âm tính bị lây nhiễm HIV từ các đối tượng tham gia nghiên cứu.
Theo ông Alison Rodger, trưởng nhóm nghiên cứu, kết quả trên có ý nghĩa rất lớn, bởi thông thường người nhiễm HIV không điều trị thì ước tính khả năng lây nhiễm sau 2 năm chung sống từ 50 đến 100% (trung bình khoảng 86%). Thay vào đó, nếu người nhiễm HIV tham gia và tuân thủ điều trị kháng virus, nguy cơ lây nhiễm HIV sang bạn tình âm tính của họ giảm đáng kể, vào khoảng 0,45% mỗi năm trên nhóm dị tính và khoảng 1% mỗi năm trên nhóm đồng tính nam.
Như vậy, mặc dù còn chờ kết quả sau cùng sẽ được công bố khi nghiên cứu hoàn thành vào năm 2017, ghi nhận sơ bộ lần này đã phần nào củng cố thêm kết quả từ các cuộc nghiên cứu tương tự trước đó. Năm 2011, công trình nghiên cứu HPTN 052 cho thấy hiệu quả dự phòng của điều trị ARV lên đến 96% trên đôi dị tính.
Riêng ở Việt Nam, chương trình phòng chống HIV đã triển khai tuyên truyền về điều trị ARV sớm, với phương châm “Xét nghiệm sớm nhằm phát hiện sớm. Phát hiện sớm để điều trị sớm. Điều trị sớm không chỉ giúp ích cho bản thân mà còn có ích cho toàn xã hội”.
Bình luận của bạn