Nồi, xoong nhôm làm từ nhôm thải vứt la liệt trong xưởng
Cận cảnh lò tái chế nhôm phế liệu
Bể chứa hóa chất dùng để tẩy trắng nồi, xoong làm từ nhôm tái chế
Xỉ nhôm, khói bụi từ các lò đốt nhôm thủ công bức tử môi trường - Ảnh: Nguyễn Tuấn
Từ lâu, làng Mẫn Xá, xã Cao Môn (H.Yên Phong, Bắc Ninh) được coi là làng tái chế nhôm có quy mô lớn nhất miền Bắc với trên 300 lò tái chế, đúc nhôm lớn nhỏ. Trung bình làng này tái chế 8.000 - 10.000 tấn nhôm phế thải mỗi năm.
Vừa đặt chân đến đầu làng, chúng tôi đã cảm thấy ngạt thở vì mùi khét, hăng hắc nồng nặc thải ra từ các lò đốt nhôm. Hàng chục cột khói đua nhau nhả khói đen sì. Trong các xưởng tái chế, nhôm phế liệu được chất chồng thành đống cao ngất chờ vào lò để nung chảy. Vỏ lon bia, xoong nồi cũ, dây điện, phụ tùng máy móc, vành xe hỏng, khung nhôm kính... được thu mua ở khắp nơi sau đó tập kết về xưởng.
Qua tìm hiểu, nhôm thải được các đầu nậu thu mua tập kết về Mẫn Xá với giá rẻ. Cụ thể lon bia có giá 23.000 đồng - 25.000 đồng/kg; khung cửa nhôm thải giá 27.000 đồng - 29.000 đồng/kg...
Xưởng bà N. chừng 100 m2, bên trong có một lò đốt đắp bằng gạch đất, nhưng được coi là một trong những xưởng có quy mô ở Mẫn Xá, trung bình mỗi ngày thu mua và tái chế 2 - 3 tấn nhôm phế thải.
Nhôm thải được đổ thẳng vào lò nấu chảy với nhiệt cao bằng than đá. Hai công nhân trong xưởng bịt khăn kín mít chỉ hở mắt liên tục thay nhau dùng xẻng xúc bột nhôm vẫn đang đỏ lừ đổ thẳng ra nền đất rồi đưa vào khuôn cát đúc phôi. Tiếp đó, phôi nhôm hoàn thiện được dùng máy cán, kéo thành các vật dụng, trong đó phần lớn là các sản phẩm dùng để đun nấu như nồi, xoong. “Trong công đoạn tái chế, thông thường cứ 1 kg nhôm thải, mình sẽ thu về 7 - 8 lạng” - bà chủ tiết lộ.
Công nghệ đánh bóng
Nhôm tái chế sau khi ra lò thường có màu đen xỉn vì lẫn nhiều tạp chất. Tuy nhiên khi được cán thành xoong, nồi bán ra thị trường hầu hết các sản phẩm này đều có màu sắc sáng loáng. Trong vai nhà buôn tìm mối hàng lớn xuất đi các tỉnh, chúng tôi đã tiếp cận được các xưởng tái chế để tìm hiểu quy trình hoàn thiện và công nghệ đánh bóng loại mặt hàng này.
Tại xưởng sản xuất của anh Bốn (ở thôn Mẫn Xá), lúc nào cũng có 5 công nhân làm việc cật lực. Mỗi ngày lò của anh Bốn xuất hàng trăm chiếc xoong, nồi cho các mối hàng tiêu thụ đi các vùng lân cận. Sau khi được cán kéo hoàn thiện, xoong nồi đủ cỡ lớn nhỏ được vứt la liệt khắp nền đất. Trong khu vực xưởng luôn có sẵn một bể nước màu đen kịt dùng ngâm nồi, xoong nhôm thành phẩm. “Bể nước này đã được pha chế hóa chất để tẩy trắng cho nhôm” - chủ xưởng cho biết.
Nồi, xoong vào ngâm trong bể hóa chất khoảng 10 phút, sau đó vớt ra rồi lập tức được rửa lại bằng nước sạch. Trong vòng chưa đầy nửa giờ đồng hồ, hơn chục nồi nhôm có màu ố vàng, xỉn xỉn trở thành sáng bóng. “Không độc hại gì đâu. Dùng hóa chất đánh bóng nồi nhôm để làm mới, đưa ra thị trường bắt khách hơn chứ để màu xỉn làm gì có ai mua” - ông chủ giải thích.
Cũng trong khoảng thời gian này, chúng tôi đã tiếp tục phát hiện thêm một xưởng chuyên đánh bóng, nồi, xoong, mâm nhôm có sử dụng hóa chất tại đường hẻm gần kề lối dẫn vào khu vực phía sau Nhà hỏa táng Văn Điển. Khu xưởng là dãy nhà lụp xụp, rộng chừng gần 100 m2. Cánh cổng sắt duy nhất dẫn vào xưởng đóng cửa suốt ngày, chỉ mở ra khi nhập hàng về và xuất hàng đi. Gian bên ngoài khu xưởng là nơi tập kết mâm, chậu, nồi nhôm đưa về để tráng bóng trước khi xuất hàng đi tiêu thụ. Gian bên trong là công xưởng, chỉ có một dây chuyền đốt nhôm phế liệu thô sơ và bể chứa hóa chất đen kịt. Dưới nền đất, hàng chục các thùng hóa chất nguyên tem nhãn đã qua sử dụng vứt khắp nơi.
Hai loại hóa chất xưởng này thường xuyên sử dụng để đánh bóng, làm sáng nhôm là CrO3 có giá 94.000 đồng/kg đóng thùng 50 kg và dung dịch HNO3 có giá 12.000 đồng/kg đóng can 35 kg. Theo công nhân làm việc trong xưởng, các hóa chất trên được nhiều xưởng tái chế nhôm dùng để đánh bóng các đồ gia dụng.
Từ các lò tái chế nhôm, xoong nồi giá rẻ được các thương lái vận chuyển tiêu thụ khắp các tỉnh thành. Chỉ mất 20.000 - 30.000 đồng đã có thể mua được một chiếc nồi nhôm mới tinh, bóng loáng. Trong khi đó nồi nhôm có nhãn mác, xuất xứ cụ thể cùng loại có giá cao hơn gấp 4 - 5 lần.
“Bức tử” môi trường, gây hại sức khỏe
Hằng ngày, hàng trăm lò tái chế nhôm ở Mẫn Xá thải ra khí độc hại gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. “Khi các xưởng đồng loạt đốt nhôm, cả làng Mẫn Xá như đại công trường, bụi khói đen sì mùi khét lẹt theo gió bay xa hàng trăm mét. Nhiều hôm đóng cửa mà vẫn cảm thấy tức ngực, khó thở” - một người dân thôn Bình An, xã Đông Thọ bức xúc nói. Trong quá trình tái chế nhôm, xỉ than từ các lò đốt nhôm đổ kín cánh đồng, cây cỏ héo rụi. Ao hồ nước đen kịt vì nhiễm độc, xác cá nổi chết lềnh bềnh.
“Người dân ở chính thôn Mẫn Xá chủ yếu mắc các bệnh viêm đường hô hấp, ngoài da, đường tiêu hóa do ô nhiễm khói, bụi, nguồn nước, chất thải chưa được xử lý xả trực tiếp ra bên ngoài… trong đó phần lớn là người già và trẻ em. Số lượng người chết vì ung thư chiếm 50% ở Mẫn Xá” - bác sĩ Nguyễn Văn Duy, Trạm trưởng Trạm y tế xã Cao Môn thông tin.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Hậu, Phó chủ tịch UBND xã Cao Môn (H.Yên Phong) cho biết, hiện cả thôn Mẫn Xá có hơn 300 hộ làm nghề đúc, tái chế nhôm phế liệu… chủ yếu mang tính tự phát, quy mô hộ gia đình nên hầu hết không được cấp giấy phép kinh doanh. Ông Hậu thừa nhận các cơ sở này gây ô nhiễm môi trường nhưng do lợi nhuận từ tái chế nhôm quá lớn, trung bình mỗi lò tái chế nhôm cho lãi 500.000 - 600.000 đồng/ngày nên “không thể cấm họ ngừng sản xuất được”. Còn về vấn đề sử dụng hóa chất trong công nghệ tái chế, đánh bóng nồi xoong nhôm, ông Hậu cho rằng do các lò hoạt động “bí mật” nên xã không nắm được.
Bình luận của bạn