Sản xuất tăm bông bằng công nghệ thô sơ
Tại những nơi sản xuất tăm bông thủ công, kém chất lượng, nguyên liệu làm thân tăm và bông được lấy từ nhiều nguồn khác nhau, không rõ nguồn gốc. Để có thể tẩy trắng sợi bông, mang lại cảm giác sạch sẽ cho người dùng, các công nhân thường sử dụng hóa chất tẩy trắng.
Que bông được tái chế từ đủ các loại nhựa có nguồn gốc không rõ ràng. Sau khi hoàn thành, tăm bông không được tẩy trùng mà được đóng gói luôn với công đoạn rất thô sơ, không hợp vệ sinh. Toàn bộ tăm bông được đổ ra nilong trên sàn nhà bẩn, người công nhân dùng tay trần nhặt tăm bông vào túi nilon, nhét nhãn mác vào rồi đóng lại. Trong nháy mắt, một sản phẩm hoàn hảo trong mắt người tiêu dùng đã hoàn thành.
Tăm bông kém chất lượng có thể gây hại cho người dùng
Những nơi sản xuất tăm bông kém chất lượng đều biết rõ tác hại của những sản phẩm này khi cung cấp ra thị trường nhưng họ vẫn vô tư kinh doanh vì động cơ lợi nhuận. Các sản phẩm này được bán khá rộng rãi, có thể gặp ở bất kỳ đâu.
Người tiêu dùng vì dễ tính trong việc lựa chọn tăm bông nên không hề biết mình phải chịu những rủi ro không đáng có khi vô tình mua phải những sản phẩm kém chất lượng, mất vệ sinh.
Rước bệnh vào người vì tăm bông kém chất lượng
Chị Tú Anh ở Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: "Gia đình tôi dùng tăm bông thường xuyên, nhất là sau khi tắm. Môi trường Việt Nam có nhiều khói bụi, đeo khẩu trang chỉ bảo vệ được mũi và họng phần nào, còn tai vẫn bị hở. Lúc đi mua, tôi rất ít khi để ý tới các loại tăm bông vì nghĩ loại nào cũng giống nhau".
Cùng chung suy nghĩ trên, chị Minh Huệ, chủ một cửa hàng tạp hóa ở Phú Nhuận, TP. HCM cũng cho rằng các khách hàng đến hỏi mua tăm bông hầu hết đều không quan tâm tới thương hiệu tăm bông mà chỉ đưa loại nào dùng loại đó.
Tuy nhiên, thói quen dễ tính trong lựa chọn tăm bông khiến nhiều bà nội trợ mua phải những sản phẩm kém chất lượng, khiến tai, mũi, họng của người sử dụng bị tổn thương, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Bị viêm tai giữa mạn tính nên chị Nguyễn Mai Thảo (32 tuổi, TP.HCM) luôn có gói tăm bông hiện diện khắp nơi trong túi xách, trên bàn làm việc và ở nhà. Chị cho biết, bây giờ mua tăm bông thật tiện, chỉ cần ghé vào siêu thị, cửa hàng thuốc, quầy tạp hóa hay vẫy những người bán rong ngoài đường là có.
Thế nhưng cũng chính từ việc tiện đâu dùng đó mà chị Thảo đã phải nhờ đến bác sĩ “giải cứu”. Cách đây chưa lâu, trong giờ nghỉ trưa, chị Thảo dùng tăm bông thấm nước trong tai trước khi chợp mắt vài phút. Vì chiếc tăm bông giá rẻ, bao bì sơ sài và thủ công nên chỉ vừa ngoáy vài vòng, chỉ còn trơ lại đầu nhựa cứng, sắc lẹm.
Đau nhói tai do đầu nhựa cứa vào thành tai mỏng, chị Thảo còn khốn khổ vì phần bông dính lại trong tai, càng cố lôi ra thì lại càng tụt sâu. Chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ, cảm giác khó chịu bắt đầu xuất hiện, tai nhức, ù đặc và sau đó, gần như không nghe thấy gì, buộc chị Thảo tìm đến bác sĩ. Phải dùng dụng cụ chuyên dụng để gắp miếng bông ra khỏi tai.
Ngoài ra hiện nay, chị em không chỉ sử dụng tăm bông để vệ sinh tai mà còn “trưng dụng” vào nhiều việc khác. Phổ biến nhất là nặn mụn và rửa các vết thương nhỏ. Bông không được tiệt trùng chính là tác nhân làm tăng thêm khả năng nhiễm trùng cho vết thương bởi chúng là vật tiếp xúc trực tiếp với vết thương hở.
Gói bông tăm giá rẻ, được sản xuất thủ công, dây chuyền lạc hậu; người sản xuất không được kiểm tra sức khỏe, không trang bị thiết bị bảo hộ lao động… đã khiến gói tăm bông trở nên rất mất vệ sinh, bao gói sơ sài. Đặc biệt, tăm bông thủ công sử dụng nguyên liệu bông kém chất lượng, không khử trùng sạch sẽ theo quy định nên bề mặt bông dễ bị nhiễm khuẩn, khi sử dụng để lại bụi bông bẩn và đó là tác nhân gây bệnh.
Các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn những thương hiệu tăm bông uy tín, có quy trình sản xuất nghiêm ngặt, đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh và chất lượng.
Bình luận của bạn