Nhận biết virus viêm gan B chuyển sang dạng hoạt động?

Thời gian sau đó em có đi khám định kỳ 3 tháng 1 lần, nhưng gần 1 năm nay em không đi khám nữa, vì em thấy sức khỏe của mình vẫn tốt. Nhưng em vẫn lo lắng, rất mong BS cho em lời khuyên:

1. Em có nên tiếp tục khám định kỳ không?
2. Những triệu chứng nào để em nhận biết virus hoạt động?
3. Em có cần kiêng cữ trong ăn uống không?
4. Trong dân gian có cây cỏ xước trị viêm gan, em nấu nước uống 1 thời gian thì có ảnh hưởng gì không và có nên uống không?


Trả lời:

Qua thư của em, tôi có thể dự đoán được em bị nhiễm virus viêm gan siêu vi B từ bé (thường là mẹ lây sang con trong thời kỳ mang thai hoặc lúc sinh đẻ hoặc trong 12 tháng đầu sau sinh). Đây là trường hợp rất thường gặp ở các nước vùng Đông Nam Á và châu Phi trong đó có Việt Nam vì chúng ta thuộc những quốc gia có tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B ở phụ nữ trong tuổi sinh đẻ khá cao.

1. Em không đưa kết quả xét nghiệm máu cụ thể và kết quả siêu âm bụng, nhưng với tuổi của em và với những gì mà bác sĩ trước đã nói cho em thì em dự đoán rằng em bị nhiễm virus viêm gan B mãn tính chứ không phảibị viêm gan siêu vi B mãn tính (tức là nhiễm nhưng virus không hoạt động và gan chưa bị hư hại gì). Tuy nhiên, bắt đầu từ sau 25 tuổi thì về lý thuyết sẽ có một số trường hợp virus có thể chuyển từ dạng không hoạt động sang dạng hoạt động và bắt đầu làm tổn thương gan, dần dần sẽ gây viêm gan mãn tính và có thể gây xơ gan.

Em cần theo dõi định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần để được xét nghiệm một số xét nghiệm đánh giá chức năng gan và mức độ hoạt động của virus (HBV-DNA, HBeAg, antiHBe, men gan, bilirubin, siêu âm gan…) để được dùng thuốc thích hợp khi cần vì dùng thuốc đúng thời điểm virus chuyển sang dạng hoạt động thì thuốc mới đạt hiệu quả.

Em có thể đến khoa tiêu hóa gan mật của các bệnh viện để được tư vấn và theo dõi định kỳ và có chỉ định dùng thuốc thích hợp khi cần.

2. Các triệu chứng để nhận biết virus chuyển sang dạng hoạt động:

- Đa số các trường hợp (80%) sẽ không có biểu hiện gì rõ rệt nên em cần phải kiểm tra định kỳ mỗi 6 tháng- 1năm /lần.

- Còn lại (20%) có thể có một trong các biểu hiện như: mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon, đầy bụng khó tiêu, tiểu sậm màu, vàng mắt vàng da, đau tức vùng bụng trên bên phải (đau tức vùng gan).

3. Về chế độ ăn uống: không cần kiêng cữ gì đặc biệt. Chỉ có vài lưu ý sau đây :

- Hạn chế thức ăn béo nhất là chất béo có nguồn gốc từ động vật (mỡ các loại, bơ) vì dễ làm béo phì rối loạn mỡ máu và tích tụ mỡ trong gan gây nên gan nhiễm mỡ làm nặng thêm tình trạng bệnh gan sẵn có (nhiễm virus viêm gan B trong trường hợp của bạn).

- Hạn chế thức ăn chứa nhiều chất sắt như thịt có nhiều màu đỏ (thịt bò, thịt heo), lòng đỏ trứng, rau có màu xanh đậm như cải xoong, cải súplơ xanh vì dễ gây ứđọng chất sắt trong cơ thể và trong gan trừ trường hợp bạn bị thiếu máu hay đang có thai thì cần bổ sung đủ chất sắt.

- Không nên sử dụng thức uống có cồn (rượu, bia...).

- Nên uống nhiều nước và ăn nhiều trái cây như cà chua, bưởi, cam, cá biển vì có nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E, selenium cũng khá có lợi cho bệnh gan nói riêng và cho quá trình chống lão hóa nói chung.

4. Về cây cỏ xước như em đề cập thì thật sự chưa có công trình nghiên cứu nào về cây cỏ xước điều trị viêm gan. Tuy nhiên theo đôngy thì cây cỏ xước còn có tên gọi là ngưu tất nam có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, lợi tiểu, làm lưu thông huyết, còn có khả năng chống viêm, bổ gan thận... Do đó theo ý kiến cá nhân tôi thì em không cần thiết phải uống vì không ngăn ngừa sự hoạt động của virus viêm gan B và hơn nữa hiện tại em đang khỏe mạnh chưa có triệu chứng gì cả.

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hỏi đáp Phòng bệnh & Điều trị