Nhân lực ngành Y tế: Khủng hoảng thừa và yếu

Khủng hoảng thừa y sĩ, điều dưỡng

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường vừa chính thức đề nghị Bộ GD-ĐT khuyến cáo tình trạng thừa nhân lực đối với các ngành dược, điều dưỡng, y sĩ. "Các thí sinh cần có định hướng lại khi chọn ngành học và đồng thời cần có giải pháp hạn chế tuyển sinh đối với các ngành đang thừa nhân lực này" - Thứ trưởng Lê Quang Cường nhấn mạnh. Theo báo cáo của Sở Y tế các địa phương, qua kỳ tuyển dụng, nhân lực y tế trình độ trung cấp ra trường khá nhiều với các ngành dược, điều dưỡng, y sĩ, trong khi khả năng tuyển dụng của các cơ sở y tế có hạn. Bộ Y tế cũng cho rằng, trong thời gian qua, có nhiều cơ sở tham gia đào tạo nhân lực y tế trình độ trung cấp kể cả các trường đại học và các trường cao đẳng, trung cấp đóng trên địa bản các tỉnh, thành phố. Tính đến cuối năm 2012, cả nước có 26 cơ sở đào tạo nhân lực y tế trình độ đại học, 74 trường cao đẳng và 44 trường trung cấp và dạy nghề.


Trường Trung cấp Y dược Hà Nội tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT Hà Nội
Ảnh: PHÚ KHÁNH


Bộ Y tế cho biết, tháng 8/2013, Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH Y Dược Việt Nam đã họp và phản ánh việc nhiều trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh số lượng khá lớn trong khi năng lực đào tạo và cơ sở thực hành hạn chế, điều này cũng dẫn đến điểm tuyển sinh vào các trường ngoài công lập rất thấp so với trường công lập, không phù hợp với quy hoạch của ngành và ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo. Ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết: "Đào tạo nhân lực y tế có tính đặc thù. Trong quá trình đào tạo yêu cầu rất cao việc gắn trường với cơ sở thực hành. Điều này ở các trường công lập vẫn được đảm bảo nhưng ở trường ngoài công lập rất đáng lo ngại". Theo ông Nguyễn Minh Lợi, trong thời gian qua có nhiều trường ngoài công lập đa ngành mở thêm ngành y với chất lượng không đảm bảo. Điều này thể hiện ở việc cơ sở thực hành quá xa, trong khi chính các bệnh viện không phải nơi nào cũng đủ điều kiện để trở thành điểm thực hành của sinh viên.

Gian dối trong thành lập trường

Nói về chất lượng đào tạo nhân lực ngành y, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận, thực tế nhiều trường không đủ điều kiện đào tạo và chất lượng đào tạo nhân lực y tế rất kém, đặc biệt là các cơ sở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. "Tôi có nghe phản ánh, có trường còn mượn thiết bị y tế của doanh nghiệp về để qua mắt đoàn kiểm tra".

Chỉ ra kẽ hở trong việc không đảm bảo chất lượng đào tạo, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường phân tích, theo quy định của Bộ GD-ĐT về điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo được giao cho các Sở GD-ĐT, do đó, việc thẩm định mở ngành đào tạo nhân lực y tế không có sự tham gia về chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế. Điều này sẽ khó đảm bảo chất lượng của các đơn vị đào tạo và thực tế khảo sát, có nhiều đơn vị không đảm bảo năng lực. Chính vì vậy, Bộ Y tế đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo cần có quy định chặt chẽ khi mở ngành đào tạo nhân lực y tế trong đó việc thẩm định cần có sự tham gia về chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế để đảm bảo chất lượng đào tạo.
doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn