Nho giáo: Nguyên nhân mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đang ở mức báo động (Ảnh: Thu Giang)

"Cần tăng cường giáo dục giới tính và ngăn ngừa bất bình đẳng giới"

Đàn ông Việt Nam sắp phải "nhập" vợ ngoại ?

Hãy để phụ nữ mãi là một nửa của thế giới

Cẩn trọng với que thử giới tính thai nhi

Để tìm ra nguyên nhân đích thực hay nguyên nhân sâu xa, cốt lõi của hiện tượng này, trước hết cần thấy rằng, tình trạng đẻ nhiều trai hơn gái thường "co cụm" ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông - là các quốc gia/vùng lãnh thổ có "mẫu số chung về văn hóa" là Nho giáo.

Theo Nho giáo, "Nhân" là đức tính cần có đầu tiên của con người. "Hiếu" là gốc của "Nhân" (cũng là đạo lý sâu sắc, thiêng liêng của dân tộc Việt). Đạo hiếu không chỉ là "khuôn thước" trong giáo lý Thánh hiền, "chính sách" của nhà nước mà đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo trong thi, ca, nhạc, họa  phản ảnh sự nhuần nhuyễn, sâu lắng của tâm thức người Việt về đức hiếu thảo. Đạo hiếu không chỉ dừng lại trong quan niệm, ý thức mà đã kết tinh trong các hoạt động, sinh hoạt của gia đình và cộng đồng ở Việt Nam. Đạo hiếu xuyên suốt trong mọi phong tục của nhân dân ta, không thể không nói đến chữ hiếu khi viết về phong tục cổ truyền của ta. Lễ tế, lễ tang, lễ cưới, kể cả sinh đẻ, xây nhà dựng cửa, hội hè đình đám, việc nước, việc làng, thuần phong mỹ tục đã đành mà trong số những phong tục đã lỗi thời, ngày nay bị xếp vào loại đồi phong bại tục, ta cũng chắt lọc được một phần tinh hoa của đạo hiếu.

Để làm người "có hiếu" thì nhất định hải có con trai, vì "Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại" (Tội bất hiếu có 3 điều thì tội không có con trai là nặng nhất). Càng trọng hiếu bao nhiêu, đương nhiên, người ta càng sợ bị mang tiếng "đại bất hiếu" bấy nhiêu và do đó người ta càng "buộc phải có con trai" bấy nhiêu.

Khảo sát của VnExpress năm 2006 về Quan niệm về việc sinh con trai hay gái

Khảo sát của VnExpress năm 2010 về Giới tính của con

Từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nay, quá trình giải thể Nho giáo đã diễn ra nhưng, như nhà bác học vĩ đại bậc nhất thế kỷ XX, Albert Einstein nói: "Phá vỡ một quan niệm còn khó hơn phá vỡ một nguyên tử". Nhất là quan niệm "phải có con trai" trong lòng xã hội nông nghiệp. Vì vậy, vẫn đang tồn tại tính quy luật rằng, ở đâu Nho giáo đã từng hưng thịnh hơn thì ở đó ảnh hưởng của Nho giáo còn sâu đậm hơn. Do đó, khát vọng có con trai mãnh liệt hơn và kết quả là mất cân bằng giới tính cao hơn. 

Có thể đưa ra chỉ báo về mức độ hưng thịnh của Nho giáo ở một vùng là "số tiến sỹ Nho học" của địa phương. Đồng bằng sông Hồng chiếm hơn 73% trong số 2.865 Tiến sỹ Nho học. Đây cũng là vùng có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất nước. 

Nguyên nhân sâu xa, cốt lõi của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là khát vọng có con trai để làm tròn chữ Hiếu, chữ Nhân của Nho giáo vốn đã kết tinh trong tâm thức Việt suốt hàng ngàn năm và vẫn "dai dẳng" cho đến ngày nay.

Hiện nay, quá trình giải thể Nho giáo đã và đang diễn ra, những giá trị mới, như: Tự do, bình đẳng, giáo dục, việc làm, thu nhập cho phụ nữ, chất lượng cuộc sống, an sinh xã hội,… đã xuất hiện. Khung cảnh kinh tế, xã hội, pháp luật mới đã làm thay đổi những quan niệm cũ, lạc hậu. Từ đó đã làm thay đổi hành vi của con người trong vấn đề lựa chọn giới tính thai nhi. Tuy nhiên, với hơn 57,4% dân số sống ở nông thôn (năm 2013), đưa tỷ lệ cân bằng giới tính về mức tự nhiên còn là một quá trình khó khăn. 

Cũng cần chú ý rằng, sự phát triển kinh tế xã hội phải đến một "ngưỡng" nào mới có khả năng phá vỡ quan niệm "phải có con trai", nếu không sẽ chỉ tạo điều kiện tiếp cận dịch vụ "lựa chọn giới tính thai nhi".

Có quan điểm cho rằng, mất cân bằng giới tính cao là do chính sách "hai con", khoa học kỹ thuật phát triển... Nhưng đây chỉ là môi trường, điều kiện cho lựa chọn giới tính thai nhi phát triển chứ không phải là nguyên nhân. 

Giải pháp mang tính hệ thống được đưa ra là thay đổi chính sách phát triển, tuyên truyền, luật pháp để đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng, tự nhiên.  

GS. TS Nguyễn Đình Cử - Nguyên Viện trưởng, Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội