Hãy để phụ nữ mãi là một nửa của thế giới

Mất cân bằng giới tính khi sinh và những hệ lụy

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) đang là mối quan ngại ngày càng tăng tại một số quốc gia Châu Á, nơi có tới 117 triệu phụ nữ và trẻ em gái được báo cáo “mất tích”. Tại Việt Nam, MCBGTKS đã tăng từ 106,2 bé trai/100 bé gái năm 2000, lên 113,8 bé trai/100 bé gái năm 2013 và xu hướng này đang tiếp tục gia tăng. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh từ 2,3 - 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn.


10 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất Việt Nam năm 2009

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chia sẻ: “Kiểm tra một số xã ở đồng bằng sông Hồng, có xã lên đến gần 150 bé trai/100 bé gái lúc ra đời, MCBGTKS lộ quá rõ. Hậu quả này chúng ta sẽ giải quyết như thế nào? Các làng xã sẽ thiếu phụ nữ, rất nhiều điều bất lợi. Việt Nam chưa phải nước giàu như Hàn Quốc để lấy cô dâu ở nước ngoài”.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do phong tục tập quán, tâm lý xã hội truyền thống, tư tưởng nho giáo phải có con trai nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên ăn sâu vào tiềm thức người dân. Do áp lực sinh, mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1- 2 con nhưng các cặp vợ chồng mong muốn phải có con trai, vì vậy đã tìm các dịch vụ y tế, xã hội để lựa chọn giới tính khi sinh.

Theo các nhà xã hội học, do tính chất công việc phải đòi hỏi lao động cơ bắp của con trai, trụ cột về lao động. Ngoài ra, chế độ an sinh xã hội chưa bảo đảm, đặc biệt là người già không được hưởng lương hưu, dẫn đến tư tưởng coi con trai là chỗ dựa tốt hơn về mặt tài chính. Con trai mới là người chăm sóc cha mẹ khi về già, con gái khi lấy chồng sẽ không sống trong gia đình mình, không thể thường xuyên đỡ đần cho cha mẹ đẻ. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng mong muốn có con trai để có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ khi về già.

Thực tế, nguyên nhân trực tiếp là do lạm dụng tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi ngay từ trước lúc mang thai như chế độ ăn uống, ngày phóng noãn, chọn thời điểm thụ thai, chọn phương pháp thụ tinh, siêu âm bắt mạch chọc hút dịch ối, nạo phá thai...


Tại nhiều trường mầm non, số bé trai nhiều hơn hẳn số bé gái

Và hậu quả nghiêm trọng là nam giới ở độ tuổi trưởng thành khó có cơ hội lấy được người vợ, còn người phụ nữ do bị sức ép phải sinh đẻ nhiều lần dẫn đến sức khỏe suy giảm, thậm chí nhiều trường hợp còn nguy hiểm đến tính mạng do hậu quả của việc nạo phá thai quá nhiều lần.

Không những thế, MCBGTKS sẽ ảnh hưởng tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dẫn tới việc dư thừa nam giới trong xã hội không lấy được vợ phải duy trì cuộc sống độc thân có thể gây ra những bất ổn về trật tự an toàn ở cộng đồng, làm gia tăng tệ nạn mại dâm, buôn bán trẻ em gái, phụ nữ và các loại tội phạm xã hội khác.

Làm gì để giải quyết MCBGTKS


Ông Arthur Erken, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho biết: “Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề MCBGTKS không nằm ở việc lựa chọn giới tính thai nhi, mà chính là do sự bất bình đẳng giới và xem thường giá trị của phụ nữ. Hiện tượng lựa chọn giới tính trước khi sinh trở nên nghiêm trọng hơn bởi các giá trị truyền thống gia trưởng trong gia đình, đặc biệt là hệ thống gia đình phụ hệ cũng như thiếu quyền tự chủ của người phụ nữ về mặt tài chính và xã hội. Do đó, vấn đề cần được giải quyết trong bối cảnh rộng lớn của phát triển kinh tế, xã hội và quyền con người để xóa bỏ bất bình đẳng giới, đảm bảo quyền nhân phẩm và quyền con người của mỗi cá nhân, phụ nữ, trẻ em”.


MCBGTKS ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia

Có thể hiểu rằng, khi mà phụ nữ và các em gái được tiếp cận với chăm sóc y tế, giáo dục, cơ hội việc làm một cách bình đẳng như nam giới, họ có thể sẽ phát triển tốt, thậm chí có thể làm tốt hơn nam giới. Tuy nhiên, theo ông Arthur Erken, giải quyết được vấn đề MCBGTKS cần sự hợp tác giữa nam giới trên tinh thần quan hệ đối tác. Nam giới cần phải được khuyến khích để trở thành những tác nhân thay đổi tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”.

Việt Nam đã và đang thực hiện một số biện pháp nhằm xóa bỏ vấn đề MCBGTKS đang ngày càng gia tăng, tăng cường tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức của các nhóm đối tượng về hệ lụy của tình trạng MCBGTKS, tăng cường thực thi pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Tuy nhiên, trên thực tế Việt Nam đã đưa ra chế tài xử phạt nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, nhưng tính khả thi không cao và sự hợp tác của các nhóm đối tượng không tốt.


PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức người dân trong giải quyết MCBGTKS

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: “Cần nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là các nhóm đối tượng để thay đổi tư tưởng "trọng nam khinh nữ" bên cạnh việc xử phạt nghiêm khắc, ngay cả với các bác sỹ vi phạm. Để làm được điều này, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, các cơ sở y tế và hệ thống truyền thông để cộng đồng hiểu về những tác hại của MCBGTKS".
ctv6
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn