Nhộn nhịp mua bán cổ phần Vietcombank

Ông Bùi Ngọc Long, Giám đốc Marketing, Công ty chứng khoán quốc tế Hoàng Gia (IRS) cho biết, chỉ trong vòng 1 ngày sau khi kết quả đấu giá của đại gia Vietcombank được công bố, có nhà đầu tư đã giao dịch thành công vài trăm ngàn cổ phần của ngân hàng này.

Trên các trang web rao vặt về chứng khoán cũng đăng tải rất nhiều tin rao bán, và rao mua cổ phiếu Vietcombank. Hiện, giá mỗi cổ phần của nhà băng này đang được chào ở mức 102.000- 112.000 đồng, tuy nhiên, mức được thị trường chấp nhận nằm trong khoảng 102.000-107.000 đồng.

Nhiều nhà đầu tư đã quyết định "bán lúa non" với hy vọng kiếm tiền tươi thóc thật ngay, thay vì phải chôn vốn chờ đợi VCB lên sàn. Anh Toàn, một nhà đầu tư trúng thầu VCB với giá thấp vừa bán lại với giá 106.000 đồng cho biết, ngay từ khi tham gia đấu giá, anh đã xác định sẽ không chơi lâu dài mà khi nào có người mua và thấy có lãi sẽ đẩy hàng ngay.

IPO vừa qua của Vietcombank, giá trúng thầu cao nhất lên tới 250.000 đồng, do vậy theo ông Long, rất có thể sẽ xảy ra chuyện bỏ cọc với những nhà đầu tư đã trót trúng giá quá cao. Tuy vậy ông cho rằng, chuyện bỏ cọc không có gì lạ bởi nó cũng từng xảy ra trong một số cuộc đấu giá trước đây.

Ông Long lấy ví dụ, một nhà đầu tư bỏ giá 120.000 đồng, nếu bỏ cọc thì họ mất khoảng 10 giá, nhưng mua lại trên OTC được 105.000 đồng thì có nghĩa là họ vẫn được thêm 5 giá so với khi họ mua 120.000 đồng. Trong khi đó, trên quan điểm đầu tư, làm thế nào lãi thì làm nên chuyện bỏ cọc để mua trên OTC với giá rẻ hơn không có gì khó hiểu.

Tuy nhiên do số lượng nhà đầu tư trúng giá cao không nhiều trong đợt IPO lần này, nên nhìn chung ảnh hưởng của việc bỏ cọc cũng sẽ không lớn lắm.

Cũng có người đã trúng giá quá cao nhưng không bỏ cọc được bởi họ đấu theo hình thức ủy thác. Những nhà đầu tư này đã trót làm hợp đồng với công ty chứng khoán và trong đó có nói rõ giá nào cũng phải chấp nhận mua.

Theo Hà Vy
VnExpress
tridat
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin