Nước giải khát đường phố tại Hà Nội nhiễm khuẩn và hóa chất

Theo đó, hệ thống thông tin Heatth+ đã phối hợp với Trung tâm Kiểm nghiệm và Hợp chuẩn (Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam) tiến hành lấy mẫu độc lập, ngẫu nhiên 9 mẫu nước uống đường phố và nguyên liệu được bán tại một số phố trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm: nước trà chanh (Phố Nhà Thờ), trà bát bảo (Cát Linh), nước mía (Đê La Thành), nước trà xanh (Đê La Thành), nước ngô (Cát Linh), nước trà đá (Cát Linh), nước nhân trần (Đê La Thành), nước vối (Hoàng Cầu) và nhân trần khô (Lãn Ông).

Xét nghiệm các mẫu nước và nguyên liệu trên đã cho kết quả rất đáng lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm khi có tới 9/9 mẫu bị nhiễm khuẩn B.Cereus, 8/9 mẫu nhiễm khuẩn E.Coli, 4/9 mẫu có hàm lượng vi khuẩn hiếu khí vượt giới hạn, 5/9 mẫu nhiễm nấm men và nấm mốc. Đặc biệt có 4/9 mẫu phát hiện có hàm lượng kim loại nặng là chì, thủy ngân và cadimin gồm: nước nhân trần (Đê La Thành), nhân trần khô (Lãn Ông), nước trà xanh (Đê La Thành) và nước trà đá (Cát Linh).

PGS, TS Hồ Bá Do - Viện phó Viện thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết: Một số loại nước uống giải khát đường phố bị nhiễm kim loại nặng rất nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng. Nhiễm độc chì, thủy ngân có thể ảnh hưởng ức chế enzyme tổng hợp máu, làm phá vỡ hồng cầu, gây độc cho tế bào là nguyên nhân của nhiều căn bệnh hiểm nghèo. Còn Cadimi có thể gây ngộ độc mãn tính, rối loạn chức năng gan, thậm chí lâu dài có nguy cơ gây ung thư tiền liệt tuyến.

PGS, TS Do cũng cho biết, các nước uống đường bị nhiễm vi khuẩn E. Coli, B. Cereus, hay nấm mốc cũng rất dễ gây ra ngộ độc cấp tính, hoặc làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin