Xuất phát từ việc người chăn nuôi nhận thấy có một nguồn thức ăn rẻ hơn ngô ngoài thị trường: đó là chất thải của công nghệ sản xuất kẹo: những mẩu kẹo, mẩu sôcôla, các loại “đầu thừa đuôi thẹo” bị loại ra trong quá trình chế biến, đóng gói... Tất cả loại “đồ thải” này được trộn lẫn vào thức ăn cho gia súc. Kết quả là bò rất thích loại thức ăn mới vì lạ miệng với chúng. Tất nhiên điều này làm các chủ trại thật hài lòng!

Hình ảnh đăng trên báo nước ngoài mô tả việc nuôi bò bằng kẹo.
Vì sao các nhà chăn nuôi Hoa Kỳ lại tỏ ra quá sốt sắng với “kẹo”?
Lý do là họ nhận ra rằng “kẹo” làm đàn bò béo nhanh hơn. Càng nhiều “kẹo” càng nhiều thịt và việc tăng trọng càng nhanh hơn, sản lượng sữa sản xuất ra nhiều hơn.
Ông Mike Yoder, một chủ trại nhận xét: “Khi cho bò ăn kẹo, sản lượng sữa mỗi con đã tăng trung bình 1,5 lít mỗi ngày”. Mike Yoder thản nhiên phát biểu với các phóng viên báo đài, vô tuyến truyền hình là không quan tâm đến vấn đề nào khác ngoài vấn đề lợi nhuận trên. Câu chuyện này được kể lại trên bài báo: “Chăn nuôi là một vấn đề rất nhạy cảm, cần tính toán từng li từng tí một. Chỉ cần tiết kiệm được một tí ti thôi, ai cũng làm!”.
Ki Fanning, một chuyên gia tư vấn về chăn nuôi của Tổ chức “Great Plain Livestock Consulting, Inc” cho biết: Thay vì phải chi 315USD cho 1 tấn ngô, người chăn nuôi chỉ phải trả 160USD cho 1 tấn chất phế thải của công nghệ sản xuất kẹo!
Vì lợi nhuận bất chấp nguy cơ
Tất nhiên những nhà chăn nuôi biết rõ là bò nuôi bằng đường - thực phẩm nhân tạo - có nguồn gốc hóa học, không chứa những vi chất và các vitamin có trong cỏ tự nhiên (với điều kiện đồng cỏ không được phun chất kích thích tăng trưởng và các hóa chất bảo vệ thực vật). Họ vẫn sản xuất và đưa ra thị trường vì lợi nhuận. Do đó, người tiêu dùng phải bảo vệ chính mình bằng cách lựa chọn sản phẩm của bò nuôi bằng phương pháp truyền thống.
Đối với người tiêu dùng, ngoài việc được khuyến cáo cần tránh xa loại thịt này (nếu bạn vẫn thích ăn thịt), câu chuyện trên còn nhắc tới và khẳng định thêm chính đường là thủ phạm gây béo phì!
Tuy nhiên trên thực tế, người ta vẫn vì lợi nhuận mà quên đi điều này. Đó là ở Pháp, ngành y tế buộc phải khuyến cáo dân chúng về Chương trình quảng cáo trên tivi với thông điệp “ngọt ngào”: Một ngày tốt nên bắt đầu bằng một bát súp ngũ cốc và một cốc nước cam!
Sự thật dù là nước cam vắt tươi cũng đầy đường fructosa hay các sản phẩm ngũ cốc, nhất là khi được rang sẽ được chuyển ngay thành đường khi ăn vào. Hậu quả là tại các nước phát triển dịch béo phì và đái tháo đường đã xảy ra với trẻ em và dịch này còn phát triển nhanh hơn ở nhóm người trưởng thành!
Có một việc khó tưởng tượng được nhưng lại là sự thật: trên mạng lanutrition.fr, người ta cảnh báo rằng: Bộ Giáo dục Quốc gia Pháp đã giao cho ngành công nghiệp đường việc giáo dục trẻ em về dinh dưỡng, ngành công nghiệp đường sẽ phải nói với học sinh nên ăn gì, ăn như thế nào, đồng thời sau đó là hàng loạt các khuyến cáo...
Một hợp đồng vừa được ký kết, giao cho CEDUS (Centre d’Etudes et de Documentation du Sucre, Paris), cơ quan tuyên truyền của ngành công nghiệp đường có trách nhiệm phổ biến tới các nhà giáo, học sinh và gia đình học sinh “thông tin về dinh dưỡng và sức khỏe” trong vòng 5 năm.
Trong tài liệu do CEDUS biên soạn, người ta đọc thấy: “Không có mối tương quan trực tiếp giữa việc tiêu thụ đường - ngoài việc đưa vào cơ thể một lượng calo thừa - và việc tăng trọng lượng đã được chứng minh trong những nghiên cứu mới đây”.
Theo CEDUS, cũng không có mối tương quan giữa đường và đái tháo đường: “Trái với ý kiến trước đây, không có quan hệ nhân - quả giữa việc tiêu thụ chất bột nói chung và saccharose (đường) nói riêng với bệnh đái tháo đường”.
Bình luận của bạn