Vỏ rễ thông lá dẹt thu tại Lâm Đồng đã được phân lập và xác định cấu trúc của sáu flavonoid. Ảnh: Phùng Mỹ Trung
Nhằm góp phần xây dựng chiến lược khai thác, bảo tồn và phát triển bền vững tính đa dạng nguồn gen của các loại lá kim tại Tây Nguyên, đồng thời phát hiện, nâng cao giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên bản địa ở Tây Nguyên, PGS.TS Đinh Thị Phòng, trưởng phòng phân loại thực nghiệm và đa dạng nguồn gen, bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã cùng các nhà khoa học cộng sự triển khai đề tài "Nghiên cứu tính đa dạng nguồn gen di truyền và thành phần hoá học một số loài lá kim ở Tây Nguyên, đề xuất giải pháp bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững", thời gian thực hiện từ 11/2012 - 10/2015.
PGS Phòng cho biết một số nội dung nghiên cứu chính là phân tích DNA, xác định trình tự nucleotide đặc trưng cho 15 loài lá kim có ở Tây Nguyên; đánh giá hiện trạng cấu trúc quần thể, nghiên cứu tính đa dạng di truyền nguồn gen ở mức độ phân tử và xác định các nguyên nhân gây suy giảm tính đa dạng đó của bảy loài lá kim quý hiếm đang bị đe doạ tuyệt chủng, thuộc họ thông, kim giao, hoàng đàn và đỉnh tùng; nghiên cứu thành phần hoá học và hoạt tính sinh học của hai loài lá kim chọn lọc: cây đỉnh tùng và cây thông lá dẹt. PGS Phòng cho biết: "Trên cơ sở các kết quả thu được, chúng tôi sẽ đề xuất giải pháp bảo tồn, sử dụng, khai thác và phát triển bền vững cho các loài này ở Tây Nguyên, đồng thời xây dựng các bộ mẫu tiêu bản khô để lưu trữ và trưng bày tại bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và bảo tàng Thiên nhiên Tây Nguyên".
Kết quả nghiên cứu giai đoạn đầu của một năm triển khai đề tài đã thu được 1.500 mẫu lá, vỏ, rễ để phân tích DNA của 15 loài lá kim Tây Nguyên và cấu trúc hoá học của đỉnh tùng, kim giao núi đất, thông lá dẹt… Kết quả sàng lọc hoạt tính sinh học tách chiết là từ lá cây đỉnh tùng và vỏ rễ cây thông lá dẹt cho thấy:
Đỉnh tùng (Cephalotaxus mannii Hook.f.): từ lá cây đỉnh tùng đã phân lập được ba hợp chất ancaloid ký hiệu là TN1, TN2 và TN3; trong đó chất TN3 có hàm lượng khá cao (chiếm 0,04% so với mẫu khô). Từ vỏ cây đỉnh tùng đã phân lập được hai ancaloid ký hiệu TN4 và TN5 sạch với lượng khá cao; đặc biệt chất TN4 có hàm lượng lớn (chiếm 0,64% so với mẫu khô), trong khi đó ở lá không thấy chất này. Chất TN5 chiếm 0,24% so với lượng mẫu khô. Dựa vào các số liệu phổ, các nhà khoa học đã chứng minh được chất TN5 có cấu trúc giống TN3. Các chất TN1, TN2 đang được xác định cấu trúc hoá học.
Thông lá dẹt (Pinus krempfii): từ vỏ rễ cây thông lá dẹt thu tại Lâm Đồng, đã phân lập và xác định được cấu trúc của sáu flavonoid (trong đó, chất galangin lần đầu tiên được phân lập từ loài cây này). Kết quả thử nghiệm cho thấy hai chất galangin và cryptostrobin có hoạt tính sinh học gây độc đối với hai dòng tế bào ung thư là ung thư biểu mô da (Epidermoid carcinoma-KB) và ung thư gan (Hepatocellular carcinoma-HepG2). Và duy nhất chỉ có chất galangin là có tác động chống oxy hoá bởi phương pháp quét góc tự do 1,1-diphenyl-2-picrylhydrazyl (DPPH) của chất thử với ngưỡng gây chết EC50 = 122,62 μg/ml.
"Các kết quả ban đầu trên hứa hẹn nhiều triển vọng trong việc tìm kiếm hoạt
chất mới có hoạt tính sinh học cao từ các loài cây lá kim ở Tây Nguyên để điều trị một số
bệnh nan y, đặc biệt là bệnh ung thư…", PGS Phòng chia sẻ.
Bình luận của bạn