Phẫu thuật tật tim cho trẻ 23 ngày tuổi


Ảnh minh họa

Bệnh nhi sinh ngày 3/3/2014, con của chị L.T.T. (Q.12, TP.HCM). PGS.TS Vũ Minh Phúc - trưởng khoa tim mạch Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng toàn thân tím, nồng độ oxy trong máu thấp. Sau khi siêu âm tim, khoa tim mạch chẩn đoán bé bị tứ chứng Fallot. Đây là bệnh lý có bốn tật là thông liên thất, hẹp động mạch phổi, động mạch chủ cưỡi ngựa trên vách liên thất và tâm thất phải phì đại.

Bệnh nhi bị hẹp động mạch phổi nên máu không lên phổi được khiến toàn thân bị tím nặng. Các bác sĩ đã dùng thuốc để mở ống động mạch, đưa máu lên phổi. Bình thường, các bệnh nhi khác sau khi dùng thuốc này sẽ hồng hào trở lại. Tuy nhiên, bệnh nhi này rất dao động, lúc hồng lúc tím. Khi siêu âm, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi không có ống động mạch như các bé khác mà chỉ có một mạch máu phụ để dẫn máu vào phổi, nhưng mạch máu này không đủ lớn và ngoằn ngoèo.

Sau khi hội chẩn, có ý kiến cho rằng nên thông tim (nội soi) đưa dụng cụ đặc biệt (stent) để giữ mạch máu đó. Tuy nhiên vì mạch máu phụ này nhỏ, ngoằn ngoèo nên rất nhiều khả năng sẽ thất bại. Với các bệnh nhi khác, bác sĩ sẽ mổ tạm thời đặt một ống nhân tạo để đưa máu lên phổi (BT shunt), khoảng sáu tháng đến một năm sau sẽ mổ lại sửa chữa hoàn toàn. Nhưng khi siêu âm tim, các bác sĩ nhận thấy cấu trúc tim bệnh nhi rất tốt, đủ điều kiện để phẫu thuật một lần, sửa chữa hoàn toàn các tật. Đến ngày thứ ba sau khi phẫu thuật, bệnh nhi đã được rút ống thở và xuất viện 12 ngày sau mổ.

Theo PGS.TS Vũ Minh Phúc, hiện các nước đều mổ sớm nhất là 3 - 6 tháng, thông thường là 1 tuổi, khi trẻ nặng 9kg. Một vài trung tâm có kinh nghiệm ở Mỹ đã thực hiện ở trẻ sơ sinh. Việt Nam hiện chưa thực hiện phẫu thuật này cho trẻ dưới 1 tháng tuổi do vấn đề hồi sức sau mổ có nhiều khó khăn.

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn