Phía sau vụ tranh chấp "Buôn Ma Thuột"

Sự kiện Thương hiệu (Chỉ dẫn địa lý) "Buôn Ma Thuột" bị đánh cắp và được đòi lại tại Trung Quốc là một bài học thực tiễn đắt giá, sinh động và sát sườn cho các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành nghề, DN, thương nhân VN.


Cà phê của DN Việt Nam (ảnh trái) có chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột và sản phẩm của Cty TNHH cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu (ảnh phải) Trung Quốc

Câu chuyện không mới

Việc quyền SHTT của VN nói chung, chỉ dẫn thương mại nói riêng (bao gồm nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại) của DN VN bị DN của nước ngoài đăng ký bảo hộ tại thị trường nước họ không phải là câu chuyện hiếm gặp.

Chỉ cần mất một vài phút dạo trên Internet là có thể thấy hàng loạt các nhãn hiệu được coi là "nổi tiếng" của VN bị DN nước ngoài đăng ký trên thị trường nước họ. Đơn cử như vào năm 2002, TCty thuốc lá VN phát hiện nhãn hiệu Vinabata của mình bị Cty P.T Putrastabat Industri của Indonesia đăng ký bảo hộ tại 12 nước trong khu vực, trong đó có những nước đã cấp văn bằng bảo hộ. Nhãn hiệu cà phê Trung Nguyên cũng đã từng bị "người khác" đăng ký ở nhiều quốc gia, phải mất nhiều thời gian theo đuổi tại thị trường Mỹ và một số nước khác để có thể được "sử dụng" nhãn hiệu của chính mình.

Nhãn hiệu Đức Thành của Cty Vinamit cũng phải mất hơn 4 năm theo kiện tại Trung Quốc mới chính thức được trả lại cho chính chủ… Còn rất nhiều ví dụ khác có thể đưa ra về việc nhãn hiệu của DN VN bị "chiếm đoạt" tại nước ngoài. Tuy nhiên, đối với chỉ dẫn địa lý của VN thì việc bị chiếm đoạt tại thị trường nước ngoài có hạn chế hơn do tính chất đặc thù của việc bảo hộ đối tượng này.

Ngoài chỉ dẫn địa lý "Buôn Ma Thuột" của VN bị đăng ký bảo hộ tại Trung Quốc thì còn có trường hợp chỉ dẫn địa lý "nước mắm Phú Quốc" bị đăng ký tại thị trường nước ngoài. Mặc dù vậy, có thể thấy rằng, việc bảo hộ quyền SHTT trong đó có các chỉ dẫn thương mại của VN tại nước ngoài không phải là vấn đề mới nhưng chưa bao giờ là cũ. Có nhiều lý do cho tình trạng này.

Thứ nhất, không ít các DN VN không tự trang bị cho mình những kiến thức pháp lý cần thiết trong hoạt động thương mại, đặc biệt trong giao dịch thương mại quốc tế và họ cũng chưa có thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý cho các hoạt động của mình. Thường thì khi tranh chấp xảy ra, DN mới nghĩ tới việc sử dụng dịch vụ pháp lý.

Thứ hai, ý thức của DN VN về việc bảo vệ quyền SHTT của mình chưa cao. Nhiều DN khi đạt được sự bảo hộ quyền SHTT tại VN là tự "thỏa mãn" mà không nghĩ đến việc cần phải đăng ký bảo hộ tại nước ngoài. Văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý nói riêng, các đối tượng sở hữu công nghiệp (SHCN) nói chung chỉ có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ quốc gia được cấp văn bằng đó. Muốn được bảo hộ tại nước khác thì chủ sở hữu phải nộp đơn đăng ký bảo hộ tại nước ngoài đó.

Nếu không thì trong trường hợp nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý đã được DN của nước bạn đăng ký bảo hộ, DN của VN sẽ không thể xuất khẩu hàng hóa mang các chỉ dẫn thương mại này sang thị trường nước đó. DN VN hoặc chưa có kiến thức về vấn đề này hoặc ngại chi phí tốn kém và và thủ tục pháp lý phức tạp, thường chưa chú trọng đến việc bảo hộ nhãn hiệu của mình tại thị trường nước ngoài. Nhưng DN VN chưa nhìn xa hơn là trong trường hợp chỉ dẫn thương mại bị "chiếm đoạt" tại nước ngoài thì việc "đòi lại" các chỉ dẫn thương mại đó còn phức tạp và tốn kém hơn rất nhiều.


Phòng hơn tránh

Cách thức tốt nhất để bảo vệ mình là DN cần xác định các thị trường xuất khẩu và thị trường có tiềm năng xuất khẩu hàng hóa của mình để tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình. Đối với chỉ dẫn địa lý, vấn đề có phức tạp hơn.

Theo pháp luật VN, quyền sở hữu đối với chỉ dẫn địa lý của VN thuộc về Nhà nước VN. Nhà nước trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký bảo hộ cho một tổ chức đại diện nhà nước và về nguyên tắc, tất cả các tổ chức kinh doanh trong khu vực địa lý đó đều có thể được sử dụng chỉ dẫn địa lý đó nếu đáp ứng các điều kiện đặt ra.

Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của VN cũng thuộc Nhà nước VN. Nhà nước có thể cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý hoặc tổ chức tập thể đại diện cho tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan hành chính quản lý địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Khác với nhãn hiệu, thuộc quyền sở hữu của một tổ chức, cá nhân cụ thể và chủ sở hữu nhãn hiệu thường sẽ chủ động hơn trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình.

Còn đối với chỉ dẫn địa lý, việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở thị trường nước ngoài chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Vì thường thì DN sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý không có thẩm quyền tự mình đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại thị trường nước ngoài. Cũng không nên quy trách nhiệm hoàn toàn cho cơ quan quản lý hành chính địa phương - đơn vị được giao thẩm quyền thay mặt nhà nước quản lý chỉ dẫn địa lý - thường là UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - trong việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Thường thì UBND sẽ ủy quyền giao quyền quản lý, khai thác cho các Hiệp hội ngành nghề. Và chính Hiệp hội ngành nghề này cần phải chủ động trong việc xác định các thị trường cần phải tiến hành đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý này để kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền đăng ký. Do đó, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ba chủ thể: cơ quan quản lý hành chính địa phương, Hiệp hội ngành nghề và DN sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

Việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại thị trường nước ngoài cũng có nhiều điểm khác biệt so với việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Nhãn hiệu của DN VN khi đăng ký bảo hộ tại thị trường nước ngoài có thể đăng ký bảo hộ theo hệ thống Madrid (bao gồm Hiệp định Madrid năm 1891 về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa và Nghị định thư liên quan đến Hiệp định Madrid) hoặc theo thủ tục quốc gia. Đối với chỉ dẫn địa lý thì chỉ có thể đăng ký theo thủ tục của quốc gia nơi yêu cầu bảo hộ. Mặt khác, pháp luật của các nước quy định rất khác nhau về vấn đề bảo hộ chỉ dẫn địa lý và thông thường chỉ dẫn địa lý rất khó đạt được sự bảo hộ tại nước ngoài.

Thậm chí có một số nước không bảo hộ chỉ dẫn địa lý như Mỹ thì lúc này phải đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý phải tiến hành dưới hình thức đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu đặc biệt như nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể... Do đó, cách thức tốt nhất là nên sử dụng dịch vụ pháp lý.

Các công ty luật, các văn phòng luật sư sẽ tư vấn cho DN đối với thị trường cụ thể thì nên bảo hộ chỉ dẫn địa lý dưới cách thức nào, những tài liệu nào cần thiết cho việc đăng ký bảo hộ... Ví dụ như trường hợp chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột. Buôn Ma Thuột được bảo hộ tại VN dưới hình thức chỉ dẫn địa lý nhưng khi đăng ký tại các nước, chỉ có một số ít nước chấp nhận bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý.

Còn nhiều nước khác chúng ta phải đăng ký bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận, ví dụ tại Mỹ và Pháp, một số nước khác đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, ví dụ tại các nước Benelux, Thụy Sĩ, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore.

Và đòi lại ra sao ?

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể phòng tránh. Trong trường hợp xảy ra các tranh chấp nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý hoặc các quyền sở hữu trí tuệ khác tại thị trường nước ngoài, DN cần bình tĩnh tìm cách tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của mình. Việc bảo vệ quyền của DN có thể được tiến hành bằng nhiều cách thức khác nhau, phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Trong trường hợp văn bằng bảo hộ chưa được cấp, mới đang trong giai đoạn xét nghiệm thì cách thức thường được sử dụng là nộp đơn phản đối cấp văn bằng bảo hộ. Đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ, cách thức thường được sử dụng là yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại hủy bỏ hiệu lực của văn bằng bảo hộ hoặc khởi kiện ra tòa án.

Ngoài ra, sự hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền như Cục SHTT VN cũng rất hữu ích. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, việc đầu tiên DN nên nghĩ đến là tìm một văn phòng luật sư hay một Cty luật có uy tín để tư vấn tìm giải pháp giải quyết. Dù rằng các vụ kiện hay khiếu nại ở nước ngoài, phải được thực hiện bởi một Cty luật của nước ngoài đó nhưng điều đó không có nghĩa rằng các Cty luật của VN không giữ vai trò quan trọng.

Chính các Cty luật của VN sẽ tư vấn để đưa ra cách thức giải quyết vụ việc tốt nhất, lựa chọn đối tác có uy tín của nước ngoài để đại diện DN VN tại nước ngoài, thu thập và rà soát những tài liệu cần thiết để có cở sở đưa ra những yêu cầu cho phù hợp. Và các Cty Luật cũng sẽ thay mặt DN theo dõi qúa trình giải quyết ở nước ngoài, chủ động yêu cầu hoặc thay đổi yêu cầu pháp lý cho phù hợp. Ngoài ra, chi phí cho việc sử dụng dịch vụ pháp lý của VN thường khá thấp, ví dụ, chi phí cho toàn bộ vụ tranh chấp chỉ dẫn địa lý "Buôn Ma Thuột" khoảng hơn 4.000 USD.

Rõ ràng, câu chuyện đã có một cái kết có hậu. Nhìn sự việc một cách đơn giản, nhẹ nhàng thì đây là việc chúng ta mất cảnh giác. Nhưng qua đó cũng là bài học, tuy rằng không mới, rằng nếu chúng ta chỉ chăm chăm nghĩ tới việc làm lợi kinh tế từ sản phẩm mà quên mất yếu tố phải bảo vệ, nâng niu nó thì cái giá phải trả sẽ không hề nhỏ.

* Ngày 14/6/2011, Cty TNHH cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu đã được chính thức cấp bằng bảo hộ cho nhãn hiệu "Buôn Ma Thuột" cho mặt hàng cà phê, đồ uống. Đó là nhãn hiệu 3 chữ Hán kèm dòng chữ "Buon Ma Thuot", số đăng ký 7611987, được cấp ngày 14.11.2010 và nhãn hiệu logo kèm dòng chữ "Buon Ma Thuot Coffee 1896", số đăng ký 7970830, cấp ngày 14/6/2011.

* Ngày 13/3/2012, Hiệp Hội Cà Phê Buôn Ma Thuột được sự ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk - đơn vị được Nhà nước Việt Nam trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê, với sự trợ giúp pháp lý của Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh đã nộp yêu cầu hủy bỏ đăng ký nhãn hiệu "BUON MA THUOT" số 7611987 của Công ty Cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu (Trung Quốc).

* Ngày 16/2/2014, Ủy ban xem xét vấn đề nhãn hiệu "BUON MA THUOT" (do phòng Xét xử và Xem xét lại nhãn hiệu thuộc Bộ Công nghiệp và thương mại Trung Quốc thành lập, gồm 03 chuyên gia) đã chính thức ban hành Quyết định hủy bỏ văn bằng bảo hộ nhãn hiệu "BUON MA THUOT" số 7611987 của Cty Cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu (Trung Quốc).

songha
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Kinh doanh - Tiêu dùng