Cần hiểu đúng về bệnh SXH
SXH không lây trực tiếp từ người sang người mà do vector truyền qua vết đốt của muỗi mang mầm bệnh. “Vector truyền” nghĩa là các sinh vật truyền mầm bệnh (pathogens) và ký sinh trùng (parasites) từ một người bị nhiễm bệnh (hoặc động vật) tới người hoặc động vật khác. Có thể nói SXH là một bệnh do virus lây truyền qua muỗi thường gặp nhất ở người. Mỗi năm trên thế giới có từ 50 – 100 triệu người mắc bệnh với tỷ lệ tử vong trung bình 2.5%.
64% cha mẹ vẫn còn nhầm lẫn rằng muỗi đòn xóc (tức muỗi anophen, truyền bệnh sốt rét) là tác nhân chính gây ra SXH. Trong khi đó, muỗi Aedes aegypti mới là “thủ phạm”, thường đốt vào buổi sáng sớm và chiều tà. Với hiểu biết còn sai lệch, nhiều bậc cha mẹ ở thành thị khá chủ quan, cho rằng nhà cửa dọn dẹp thường xuyên thì không cần cho con ngủ mùng ban ngày. Chính vì lý do này, trẻ dễ bị muỗi vằn Aedes aegypti đốt và dẫn đến SXH.
Muỗi Aedes sinh sản quanh năm, cao nhất vào những tháng trong mùa mưa và liên quan đến việc tích trữ nước trong bể, chum vại hoặc các loại đồ phế thải, chai, lọ, đồ hộp... Muỗi Aedes không bay xa được (khoảng 400m) nên sự di chuyển mang virus Dengue đến nơi xa là do muỗi mang virus hoặc người đang bị bệnh đi theo đường giao thông (máy bay, tàu hỏa, ô tô...) từ nơi này sang nơi khác.
Có 4 tuýp virus gây bệnh SXH. Ở nước ta, từ năm 1991-1995, tuýp gây bệnh chủ yếu là Den- 1 và Den- 2, năm 1997-1998 là tuýp Den- 3, còn từ năm 1999 đến nay, tuýp Den- 4 đang gia tăng và có khả năng sẽ là tuýp gây bệnh chính trong thời gian tới. Một người mắc SXH tuýp này không có nghĩa sẽ miễn dịch với các tuýp còn lại. Lần sau thường nặng hơn lần trước và trong cuộc đời mỗi người có thể bị SXH đến 4 lần.
Tăng cường các hoạt động phòng chống SXH tại các hộ gia đình
Ngày 15/6, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức một buổi mít-tinh và chạy bộ hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết” lần thứ 4 nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức về bệnh SXH. Sự kiện đã được hơn 5.000 tình nguyện viên và nhiều học sinh, sinh viên, các thành viên của nhiều ban ngành và người dân tham gia hướng ứng. “Lâu rồi tôi không tham gia hoạt động xã hội nhưng khi nghe phát động cuộc chạy bộ nâng cao ý thức phòng tránh SXH, tôi đăng ký ngay. Thông qua chương trình này, tôi đã hiểu hơn về sự nguy hiểm của bệnh SXH và có thêm kiến thức để có thể tự tin nói “không” với SXH, bảo vệ sức khỏe cả gia đình mình khi mùa dịch đang đến gần.” – chị Thanh Lan, vừa chạy về đến đích vừa tươi cười chia sẻ.
Bình luận của bạn