Hương liệu, phụ gia thực phẩm được bày bán ở chợ Kim Biên, TP.HCM - Ảnh: NGỌC LOAN
Phụ gia thực phẩm không nguồn gốc, hiểm họa rình rập
Nhãn thực phẩm có những thành phần này phải tránh ngay
Siết chặt thị trường phụ gia thực phẩm
Lập 2 đoàn kiểm tra phụ gia thực phẩm tại Hà Nội
Nhiều quy định về việc kiểm soát đầu ra các phụ gia thực phẩm đã có, sao không thực hiện?
Mua thuốc phải có toa, mua phụ gia sao chưa có toa?
BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai
Đợt giám sát quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm của HĐND TP.HCM mới đây, các chuyên gia đều cho rằng giải pháp để hạn chế vi phạm sử dụng phụ gia thực phẩm là cần phải có quy định đối với người mua mặt hàng này, không phải để ai muốn mua bao nhiêu thì mua.
Ông Phạm Đức Hải - Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM, trưởng đoàn giám sát - cho rằng vì đây là loại hàng hóa đặc thù, do đó người mua phải có trách nhiệm nói với người bán mục đích mua.
Cũng giống như mua thuốc phải có toa, tại sao không làm vậy đối với người mua phụ gia thực phẩm?
“Phải yêu cầu 104 hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm tiến tới khi bán phụ gia phải biết bán cho ai, bán được bao nhiêu, người ta sử dụng như thế nào.
Như vậy để chính người bán và người mua thấy được trách nhiệm của mình khi sử dụng loại hàng đặc thù này. Khi đã kiểm soát chặt việc mua bán thì sau này chỉ cần kiểm tra mẫu ở các cơ sở sử dụng phụ gia, như vậy là đã thành công” - ông Hải nhấn mạnh
BS. Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, cho rằng việc kiểm soát đầu ra của các hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm hiện đang bị bỏ dở và đến nay việc quản lý, kiểm soát còn khó khăn.
Ở nhiều nước, khi kinh doanh ngành hàng cụ thể nào thì mới được mua loại phụ gia dành cho thực phẩm đó. Trong khi ở nước ta, bà nội trợ mua 10.000 đồng cũng bán.
“Ngành y tế đã đề xuất về việc quy định đầu ra cho phụ gia, làm sao có quy định chặt chẽ đối với người đến mua, phải chứng minh cho được giấy phép kinh doanh và mua số lượng bao nhiêu”- BS Mai cho biết.
Cần quy định đầu ra
BS. Nguyễn Mạnh Trí - Phó Trưởng bộ môn y học cổ truyền, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) - cho rằng phải có quy định rõ về lượng phụ gia được mua, để tránh tình trạng mua về dùng không hết lại dùng cho mục đích khác.
Vì vậy, phải xác định xem năng suất sản xuất đến đâu để xác định số lượng phụ gia họ được mua.
TS. Phan Thế Đồng - Nguyên trưởng khoa công nghệ thực phẩm Trường đại học Nông lâm TP.HCM, đề nghị nên tách riêng khu buôn bán đối với phụ gia thực phẩm và hóa chất công nghiệp vì một số hóa chất chứa tạp chất không an toàn cùng chủng loại với phụ gia nhưng chỉ dùng cho công nghiệp mà không được dùng cho thực phẩm.
Theo TS. Đồng, người bán phụ gia thực phẩm phải lưu lại được hóa đơn, chứng từ bán cho ai, doanh nghiệp nào, bán với số lượng bao nhiêu. Đối với hóa chất công nghiệp cũng phải quản lý như vậy.
TS. Đồng nói quy định đối với người mua phụ gia thực phẩm là một giải pháp, tuy nhiên kiểm soát không phải dễ vì khó tránh khỏi việc người mua người bán thông đồng với nhau. Vì vậy, các cơ quan chức năng phải quản lý chặt và có công cụ quản lý.
BS. Mai cho biết đã thực hiện bằng hai cách: Thứ nhất chỉ cho phép các hộ kinh doanh một loại phụ gia thực phẩm, không được kinh doanh các loại khác (như hóa chất công nghiệp hiện đang được bán chung với phụ gia thực phẩm) và giấy phép của UBND quận cấp là chỉ kinh doanh phẩm màu hoặc hương liệu dùng cho thực phẩm.
Cách quản lý thứ hai là thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên đi kiểm tra, xử lý về hóa chất...
BS. Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, cho biết hiện nay trên địa bàn TP có 14 cơ sở sản xuất phụ gia thực phẩm, 104 cơ sở kinh doanh, 2.544 cơ sở sử dụng phụ gia.
Trong 2 năm gần đây, ngành y tế thanh tra, kiểm tra 863 cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm thì có 297 cơ sở vi phạm (chiếm 34,4%). Đoàn thanh tra, kiểm tra cũng lấy mẫu thực phẩm, kết quả có trên 41% mẫu không đạt.
Trước hàng loạt vụ việc ngộ độc liên quan đến việc sử dụng rượu chứa methanol, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có cuộc họp khẩn cấp với các đơn vị liên quan trực thuộc bộ về tình hình quản lý, sản xuất và kinh doanh liên quan đến hóa chất nguy hại methanol.
Việc quản lý hóa chất là nhiệm vụ của Bộ Công thương, mà cụ thể là trách nhiệm của các sở công thương. Tuy nhiên, bộ trưởng nhìn nhận việc quản lý hóa chất, đặc biệt là hóa chất trong danh mục nguy hiểm, bị cấm hiện còn nhiều lỗ hổng, bất cập.
Ngay sau cuộc họp, ông Trần Tuấn Anh đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường quản lý hóa chất độc hại bị lạm dụng trong bảo quản, chế biến thực phẩm.
Chỉ thị nhấn mạnh vào công tác quản lý đối với cồn công nghiệp, hóa chất và methanol, trong đó yêu cầu phải tăng cường quản lý đối với hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh hóa chất, cồn công nghiệp.
Thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm...
Các chi cục quản lý thị trường phối hợp với các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, tập trung thanh tra, kiểm tra các nội dung như điều kiện kinh doanh hóa chất, phân loại hóa chất, ghi nhãn hóa chất, hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ, công bố hợp quy...
Trọng điểm là tại các khu vực như chợ Kim Biên (TP.HCM), khu vực hàng Hòm, hàng Buồm (Hà Nội)...
Bộ cũng yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng của các cơ sở sản xuất cồn trong nước.
Đặc biệt, rà soát, sửa đổi và bổ sung chế tài xử phạt theo hướng tăng mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
Đồng thời, Cục Hóa chất phối hợp với Vụ Khoa học và công nghệ xây dựng quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý cồn công nghiệp sản xuất trong nước và nhập khẩu.
Nghiên cứu đề xuất các giải pháp kỹ thuật nhằm phân biệt giữa cồn công nghiệp với cồn thực phẩm...
NGỌC AN
Bình luận của bạn