Quả lê để 5 tháng không hỏng: Khó tìm hóa chất lạ!


"Để kiểm nghiệm họ dùng chất gì để bảo quản sản phẩm vài tháng vẫn tươi mới là điều rất khó khăn"

Tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Y tế với UBND tỉnh Lạng Sơn ngày 9/9, PGS.TS. Phạm Xuân Đà - Viện trưởng Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm (ATTP) quốc gia cho biết: "Quả lê Trung Quốc tôi mua, để ở phòng làm việc đến nay 5 tháng cũng chưa hỏng. Tuy nhiên, để kiểm nghiệm ra họ dùng chất gì để bảo quản sản phẩm vài tháng vẫn tươi mới là điều rất khó khăn".

Hiện trên thị trường có khoảng 2.000 loại chất bảo quản nhưng mới chỉ kiểm nghiệm được 600 loại. Đáng nói là có nhiều hóa chất lạ rất khó phát hiện, thậm chí không tìm thấy trong quá trình kiểm nghiệm. Nhiều chất không định danh được thì rất khó để giám sát.

Ông Lý Kim Soi - Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Lạng Sơn - cho biết, ý thức được việc trái cây có hóa chất bảo quản vượt ngưỡng, 3-4 năm trước trung tâm từng lấy mẫu trái cây Trung Quốc kiểm nghiệm nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Lãnh đạo Cục ATTP, Bộ Y tế khẳng định, trên thực tế, qua tìm hiểu phía Trung Quốc khi xuất khẩu trái cây đều có quy trình xử lý trái cây tương tự với sản phẩm bán trong nước cho dân. Tuy nhiên không xác định được liều lượng chất bảo quản họ dùng trái cây xuất khẩu. Việc lấy mẫu ở ngay tại cửa khẩu, chợ đầu mối và chợ dân sinh sẽ xác định được hóa chất bảo quản vượt ngưỡng là từ khi được xuất khẩu, hay chính tiểu thương trong nước sau khi lấy hàng đã ngâm, tẩm hóa chất để bảo quản sản phẩm được lâu hơn.

Để đánh giá toàn diện về chất bảo quản và hóa chất bảo vệ thực vật trong trái cây nhập khẩu, sắp tới, cơ quan chức năng sẽ lấy thêm nhiều mẫu trái cây để kiểm nghiệm. Theo đó, sẽ lấy tại cửa khẩu, chợ đầu mối, chợ dân sinh tại Hà Nội và nhiều địa phương khác để tìm hiểu, hóa chất bảo quản được tẩm ướp với hàm lượng như thế nào? Ngay ở khâu xuất từ Trung Quốc hay khi vào Việt Nam tiểu thương mới dùng hóa chất để tẩm ướp trái cây? Là loại hóa chất gì, hàm lượng ra sao có gây nguy hại đến sức khỏe người dùng hay không?

Bên cạnh đó, bộ trưởng cũng đề nghị Cục ATTP làm việc với FDA Trung Quốc, yêu cầu cung cấp danh mục các chất, thuốc bảo quản, bảo vệ thực vật và ngưỡng an toàn cho phép.
CTV4
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin