Chúng tôi về thôn Bình Lương, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, Hưng Yên trong một ngày đầu đông. Ngay từ đầu thôn, mùi hôi thối đã bốc lên nồng nặc. Dọc hai bên đường là những rãnh nước lộ thiên, đen ngòm, váng mỡ đóng thành từng tảng nổi lềnh phềnh trên mặt nước.
Tiếp tục cuộc “phiêu lưu” vào làng Bình Lương, chúng tôi thấy bì lợn khô phơi la liệt khắp mọi nơi từ trong sân nhà ra đến ven đường… mặc cho bụi bặm, ruồi muỗi vo ve. Nhiều cơ sở, nơi chế biến bì lợn chung với nơi sinh hoạt của gia đình. Nước thải từ cơ sở chế biến không được xử lý chảy lênh láng và tống thẳng ra cống, rãnh. Quan sát nhiều nhà dân dọc hai bên đường làng, chúng tôi thấy những đống bì lợn bèo nhèo đổ bừa bãi trên nền đất bẩn thỉu, ẩm ướt đầy ruồi nhặng, bên cạnh đó là những dụng cụ làm bì và xô chậu cáu đen bẩn thỉu. Có nhà đang chất đầy một góc sân những bao tải bóng bì khô, ngay cạnh đó là những đống mỡ, bì lợn đã chuyển sang màu xanh đen bốc mùi hôi thối.
Tại cơ sở sản xuất bóng bì và mỡ lợn nhà chị N, người thì phân loại bì và lọc mỡ vụn còn bám vào bì, người thì ra sức lấy chân “làm sạch” những miếng bì lợn trong chậu nước đã chuyển màu đen kịt. Trên bếp lò, một chiếc chảo lớn đang rán mỡ sôi lục bục. Mỡ được lọc ra từ đống bèo nhèo trên sẽ được đem rán rồi rót vào các can xanh đen kịt đang xếp hàng đợi sẵn. Khi được nhiều, chủ cơ sở sẽ gọi thương lái vào lấy rồi mang đi bán lẻ tại các chợ hoặc cho các lò phi hành, rán quẩy. Bóng bì ở làng này cung cấp đi khắp nơi, phần lớn cho các hàng lẩu, hàng bán đồ khô mà thị trường tiêu thụ lớn nhất là chợ Đồng Xuân (Hà Nội).
Đến cơ sở sản xuất nhà ông H, chúng tôi không nhận được sự tiếp đón nhiệt tình mà chỉ nhận được sự dò xét với vẻ khác lạ của ông chủ. Sau một hồi nói chuyện, ông H mới trở nên cởi mở. Khi được hỏi về quy trình sản xuất, ông H cho biết, sau khi bì lợn được lọc sạch mỡ và lông rồi ngâm vào một thùng dung dịch để làm trắng bì, làm mất những vết thâm tím trên thân bì và làm mất đi mùi hôi thối. Sau đó đến công đoạn trần bì qua lớp nước sôi rồi đem phơi khô và cuối cùng đưa vào lò nướng để nổ bung thành bóng.
Khi được hỏi về những thùng màu xanh đang được chất đầy một góc sân, ông H cho biết đó là dung dịch ôxy để tẩy trắng bì, nhà ông còn dùng dung dịch này, chứ nhiều cơ sở khác chỉ dùng chất tẩy trắng loại mười mấy nghìn đồng 1kg, một muỗng nhỏ thuốc tẩy ngâm với 200 lít nước có thể tẩy trắng cả tạ bì.
Tại nơi sản xuất của nhà ông H, chúng tôi chứng kiến cảnh anh công nhân cặm cụi ngồi lọc mỡ từ đống bì lợn đã ngả sang màu xanh đen, bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng khắp nơi. Nước, lông lợn và váng mỡ của quá trình chế biến được thải ra thẳng những rãnh nước gần đó. Ít ai tưởng tượng được, những món canh bóng bì truyền thống trên mâm cỗ ngày Tết của người dân Việt Nam, dịp cưới xin, lễ hội... lại có xuất xứ từ đây.
Vi phạm điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm Đại diện UBND xã Tân Quang cho biết, thôn Bình Lương có nghề làm bóng, bì, mỡ nước đã vài chục năm nay. Cứ 10 nhà thì có tới 8 gia đình sản xuất bì, mỡ nước. Nói về vấn đề ATVSTP, vị đại diện này thừa nhận 100% các hộ gia đình sản xuất bóng bì, mỡ lợn ở thôn Bình Lương đều không được cấp giấy phép sản xuất vì không đủ điều kiện ATVSTP. Các cơ sở sản xuất cũng chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải nên nước bẩn được thải trực tiếp ra môi trường. Việc sản xuất các sản phẩm trên đã có từ hàng chục năm nay và chuyện mất vệ sinh được các cơ quan chức năng ở xã lý giải rằng, việc quản lý là vô cùng khó khăn. Mỗi dịp giáp Tết, các cơ quan chức năng cũng đi kiểm tra ATVSTP ở các hộ sản xuất nhưng không phát hiện hộ nào vi phạm để xử phạt (?!) Khi được hỏi về việc phòng chống dịch bệnh như thế nào khi các hộ sản xuất nhập bì lợn từ khắp nơi về, vị đại diện UBND xã cho biết, việc kiểm soát phải thực hiện từ nơi bán, chứ người dân đã đi thu mua và đưa về đến thôn chắc đều là những sản phẩm không bị dịch. Còn những cơ sở buôn bán chui thì xã không quản lý được.
|
Bình luận của bạn