Vì sao rắn "ồ ạt" tấn công dân miền Trung

Liên tiếp người dân miền Trung bị rắn lục đuôi đỏ tấn công (Ảnh: Trí Tín)

Rắn lục đuôi đỏ lại "hoành hành" ở Quảng Ngãi

Rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ở Huế

Rắn lục đuôi đỏ cắn 5 người ở Quảng Trị

2 người nhập viện vì rắn lục đuôi đỏ cắn

Bệnh nhi bị rắn lục cắn khi đang ngủ

Rắn liên tiếp "tấn công"

Trường hợp cần tư vấn về cấp cứu, điều trị cho người bệnh nặng do rắn độc cắn người dân có thể liên hệ với Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai theo đường dây nóng 1900 575758 và 0969851616.

Ông Nguyễn Tấn Đức - Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết, theo báo cáo của các cơ sở y tế và bệnh viện tại tình này, chỉ trong 2 tháng 10 và 11 đã ghi nhận 135 trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn, nhiều người nhập viện trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Theo thống kê sơ bộ tại Quảng Nam, trung tuần tháng 11, có gần 20 người dân bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Còn số rắn được phát hiện và tiêu diệt lên đến hàng trăm con. Đặc biệt, lúc 17h ngày 26/11, tại đường Nguyễn Tất Thành (đoạn qua phường Thanh Hà, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam) có con rắn lục đuôi đỏ to bằng cán dao, dài gần 1 mét xuất hiện. Ngay lập tức, hàng trăm người dân chen chúc nhau để được nhìn thấy tận mắt loài bò sát này. Lãnh đạo TP.Hội An cho biết đây là lần đầu tiên ở phố cổ xuất hiện rắn lục đuôi đỏ. Để bảo đảm an toàn cho người dân và du khách, địa phương đã huy động các lực lượng chức năng phối hợp với người dân phát quang bụi rậm, truy tìm rắn lục để tiêu diệt. 

Tương tự, tại Đà Nẵng, người dân liên tục phản ánh rắn lục đuôi đỏ xuất hiện tại cầu Đa Cô (quận Liên Chiểu), phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), khu vực sân bay (quận Thanh Khê)… Vì quá lo sợ bị rắn cắn nên người dân đốn bỏ cây cối xung quanh để rắn không còn nơi ẩn nấp. Trong tháng 11, tại khoa Y học Nhiệt đới bệnh viện Đà Nẵng đang điều trị cho hơn 10 người bị loài bò sát này cắn. Trong đó, có 3 người dân Đà Nẵng, còn lại là bệnh nhân được chuyển ra từ Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Một nạn nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào tay (Ảnh: Zing)

Gần đây nhất, chiều 2/12, BS. Phạm Ngọc Hàm - Trưởng khoa Y học Nhiệt đới, bệnh viện Đà Nẵng cho biết, đã có thêm 3 người bị rắn lục đuổi đỏ cắn phải nhập viện, nâng số bệnh nhân đang điều trị tại khoa này lên 13 người. Trong số 3 người mới nhập viện thì có thêm 2 người ở Đà Nẵng và 1 người Quảng Nam. Như vậy, hiện Đà Nẵng đã có 5 người bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải nhập viện điều trị. 

Tin từ khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện T.Ư Huế, kể từ tháng 10, cơ sở y tế này điều trị 16 bệnh nhân bị rắn cắn, trong đó 9 người bị rắn lục đuôi đỏ tấn công, chủ yếu ở thị xã Hương Thủy. Trước đây, loài rắn cắn người thường là rắn lục toàn thân xanh. Bệnh viện T.Ư Huế cho biết, từ tháng 10 trở về trước khoảng 5 năm, cơ sở y tế này không điều trị ca nào do rắn lục đuôi đỏ cắn. Việc tiếp nhận nhiều ca bệnh như vậy trong gần 2 tháng qua là điều rất lạ thường.

Tại Hà Nội, TS. Nguyễn Kim Sơn, Phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong các tháng qua, liên tục tiếp nhận các nạn nhân nhập viện do bị rắn độc cắn, trong đó có các loại rắn rất độc như hổ mang, cạp nia và cả những trường hợp bị cắn bởi rắn lục đuôi đỏ.  Hiện, bệnh viện đang tiếp nhận một bệnh nhân sống tại tại Quảng Ninh bị rắn lục đuôi đỏ cắn, được bệnh viện địa phương chuyển lên điều trị.

Trước sự việc người dân liên tục bị rắn lục đuổi đỏ tấn công, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, cơ quan này đã có văn bản yêu cầu các Sở Y tế, các bệnh viện thuộc Bộ Y tế tập trung nhân lực và thuốc để cứu chữa bệnh nhân bị rắn độc cắn, không để xảy ra tử vong. Đặc biệt, Cục đã giao Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai tập huấn, đào tạo về lý thuyết và lâm sàng cho cán bộ y tế tại các tỉnh.

Lý giải sự bùng phát bất thường của rắn lục đuôi đỏ

Theo GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, rắn lục đuôi đỏ vốn sống chủ yếu trong rừng nay xuất hiện nhiều ở các khu dân cư có thể do nhiều nguyên nhân. Rắn là loài biến nhiệt, nhiệt độ tăng có thể làm tăng số lượng rắn. Điều này phù hợp với việc loài rắn đuôi đỏ xuất hiện nhiều ở các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế, Đà Nẵng... Ngoài ra, vùng rừng vốn là nơi sống của rắn lục đuôi đỏ, nay bị chặt phá, rắn mất môi trường sống nên di chuyển về hang hốc, bụi cây gần khu dân cư.

Cán bộ kiểm lâm, công an, dân quân cùng người dân xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa ra quân phát quang bụi rậm, truy tìm diệt rắn lục đuôi đỏ (Ảnh: Trí Tín)

Tuy nhiên, các điều kiện trên đều khiến gia tăng số lượng các loài rắn khác, tại sao chỉ có rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều? GS. Huỳnh cho biết, loài này sinh sản khá nhiều, chúng đẻ con chứ không đẻ trứng như nhiều loài rắn khác, mỗi lần đẻ 4-14 con. Các loài thiên địch của chúng trong môi trường như cầy, cáo, mèo giảm đi khá nhiều do nạn săn bắt cũng làm gia tăng số lượng rắn. Ngoài ra, rắn lục đuôi đỏ không phải là loài có giá trị kinh tế như nhiều loài khác. Thịt rắn hôi nên không được sử dụng làm thức ăn, ngâm rượu thuốc, nên chúng càng có cơ hội phát triển. 

TS Nguyễn Quảng Trường, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật chia sẻ, muốn biết vì sao rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều, phải có các nghiên cứu cụ thể. Tuy nhiên, có thể giả thuyết, nguồn thức ăn dồi dào hơn và sinh cảnh sống phù hợp đã kích thích sự phát triển của rắn lục, đặc biệt là ở các khu dân cư ven rừng. Theo GS. Huỳnh, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, làm rõ số rắn lục đuôi đỏ tăng bao nhiêu, vì sao lại tăng, biện pháp phòng chống hiệu quả nhất… “Phải làm nhanh để người dân đỡ hoang mang, ảnh hưởng đến tinh thần, sản xuất”, ông nói.

BS. Phạm Thị Ánh Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng  cho biết, mặc dù chưa có bệnh nhân nào tử vong do rắn lục đuôi đỏ cắn nhưng không được phép chủ quan, bởi loài này có nọc rất độc. “Chúng có nhiều nọc độc hơn rắn lục thường. Trong nọc có hơn 20 thành phần khác nhau, gây ra các hiện tượng tan máu, phù nề, nhiễm độc thần kinh, liệt hô hấp, trụy tim mạch...”, do đó người bị rắn lục đuôi đỏ cắn có khả năng bị rối loạn đông máu và xuất huyết. Nếu không xử lý kịp sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
M.Hiếu H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội