Sẽ chấm dứt được 70% tình trạng "cò bệnh viện"

“Cò” hoạt động công khai trước cổng Bệnh viện Mắt Trung ương (Ảnh: ANTĐ)

Nhiều bệnh viện vi phạm quy định xử lý chất thải y tế

Giám đốc bệnh viện bán thuốc "chui"

Chuyển giao kỹ thuật y tế: Thiếu người để đào tạo

37,5% bệnh viện vệ tinh đã có tỷ lệ chuyển tuyến giảm

Theo đề án, phát động trong toàn quốc với mục tiêu xây dựng những đội hình thanh niên tình nguyện tham gia giúp đỡ người bệnh trong bệnh viện, tạo môi trường để đoàn viên, thanh niên, sinh viên ngành y dược rèn luyện, nâng cao kỹ năng thực hành xã hội, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, đóng góp tri thức, công sức cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Sự cần thiết “tiếp sức người bệnh”

Đối với những người bệnh phải nằm viện, ngoài việc điều trị căn bệnh mà họ đang mắc thì việc hỗ trợ các dịch vụ y tế cho họ cũng có một vai trò vô cùng quan trọng góp phần làm cho quá trình chữa trị đạt hiệu quả cao hơn. Nó có ảnh hưởng không nhỏ đến thể trạng và tinh thần của người bệnh. Những người thực hiện công việc này là lực lượng điều dưỡng viên, cán bộ nhân viên hành chính của bệnh viện.

Theo Bộ Y tế, lực lượng điều dưỡng chiếm gần 50% nguồn nhân lực của bệnh viện nhưng họ lại thực hiện tới 80% công việc điều trị cho người bệnh. Nhân viên hành chính có trách nhiệm thực hiện thủ tục hành chính của bệnh nhân như: Nhập viện, chuyển viện, hướng dẫn giấy tờ …

Do sự quá tải bệnh nhân mà đội ngũ điều dưỡng viên tại các bệnh viện đã không thể thực hiện đầy đủ công tác chăm sóc cho người bệnh. Tại gần như tất cả các bệnh viện, việc chăm sóc người bệnh là do người nhà, chứ không phải điều dưỡng viên đảm nhiệm.

 Cũng do quá tải, nên tình trạng cò mồi khám chữa bệnh diễn ra ở hầu hết các bệnh viện lớn trong cả nước, trung bình, mỗi bệnh nhân sẽ phải chi cho cò 20.000 - 200.000 đồng tùy loại dịch vụ khám chữa bệnh. Như vậy, ngoài những chi phí mà bệnh nhân phải trả cho các chữa trị trực tiếp thì sự tốn kém về tiền bạc để thực hiện các thủ tục hành chính thông qua “cò bệnh viện”, thuê người chăm sóc hoặc tự chăm sóc là rất lớn, đó là chưa kể đến những nguy cơ bị lừa đảo bởi “cò”, người chăm sóc người bệnh bị mất đi cơ hội làm ra thu nhập khi phải bỏ thời gian để chăm sóc thân nhân trong bệnh viện. 

Khó khăn chủ yếu là do sự thiếu hụt của đội ngũ cán bộ y tế, bao gồm: Bác sỹ, điều dưỡng, y tá, nhân viên hành chính. Sự quá tải bệnh nhân của các bệnh viện và sự thiếu hụt trầm trọng lực lượng nhân viên trong các bệnh viện đã tạo ra nguồn cung lớn về dịch vụ y tế.

Những thực tế trên đây cho thấy rất cần có những chương trình hoạt động để tăng cường xã hội hóa công tác chăm sóc người bệnh tại bệnh viện để giảm tải cho hệ thống y tế và đáp ứng nhu cầu vô cùng bức thiết của người bệnh và gia đình họ, đăc biệt là những người bệnh nghèo. 

Sẽ chấm dứt được 70% tình trạng cò bệnh viện

Để hỗ trợ người bệnh, chương trình Tiếp sức người bệnh sẽ được triển khai trong thời gian từ 2015 đến hết năm 2019. Đến hết năm 2015 xây dựng được 30 đội thanh niên tình nguyện “Tiếp sức người bệnh”, với hơn 3.000 tình nguyện viên; Đến hết năm 2019 xây dựng được 100 đội, với hơn 10.000 tình nguyện viên tham gia giúp đỡ người bệnh trong bệnh viện.

Tại bệnh viện các đội tình nguyện viện “Tiếp sức người bệnh” sẽ phối hợp với Phòng công tác xã hội và các phòng chức năng để tham gia hướng dẫn, giúp đỡ người bệnh và người nhà bệnh nhân tới khám và điều trị ngay từ cổng bệnh viện: Hướng dẫn người bệnh về các quy trình, thủ tục khám bệnh; Hỗ trợ người bệnh di chuyển tới các khoa, phòng; Hỗ trợ người bệnh làm thủ tục thanh quyết toán tại bệnh viện nhanh chóng và hiệu quả; Hướng dẫn người nhà người bệnh sử dụng các dịch vụ hiện có tại bệnh viện (quán ăn, hiệu thuốc, quầy tạp hóa…); Nhắc nhở người nhà người bệnh không hút thuốc lá trong bệnh viện; Giúp đỡ người nhà người bệnh có hoàn cảnh khó khăn chăm sóc người bệnh trong quá trình khám và điều trị tại bệnh viện; Thăm hỏi, trò chuyện với người bệnh nhằm động viên tinh thần, tạo động lực, niềm tin cho người bệnh; Tổ chức các hoạt động từ thiện, như: “Nồi cháo yêu thương”, “Bát cơm nghĩa tình” cho những người bệnh và người nhà người bệnh có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị trong bệnh viện và chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện”.

Bác sỹ Nguyễn Bá Tĩnh - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, với 9 nội dung hoạt động cụ thể của các tình nguyện viên tại bệnh viện, đề án “Tiếp sức người bệnh” hướng đến giảm tải được 30% công tác của điều dưỡng viên, nhân viên hành chính cũng như chấm dứt được 70% tình trạng “cò bệnh viện” tại những bệnh viện thực hiện trong đề án. Quan trọng hơn là người bệnh sẽ được chăm sóc toàn diện theo đúng nghĩa từ lúc đến bệnh viện, ở bệnh viện và khi ra viện. 

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn