Số trẻ béo phì ngày càng "phình" ở đô thị (kỳ I)


Dẫn đứa con trai khoảng 4 tuổi bước vào trường mầm non, bà mẹ bẹo má bầu bĩnh của đứa bé nói "mau ăn chóng lớn" rồi giao con cho cô giáo. "Trẻ nhỏ có mũm mĩm, mập mạp thì mới dễ thương", chị Vân - mẹ đứa trẻ - lý giải.
Chiếc cặp đi học của một bé khác in dòng chữ quảng cáo "hay ăn, chóng lớn".

Kỳ vọng những đứa con theo hình mẫu bụ bẫm, xuất hiện đầy trên các bức tường, ti vi, là một trong những động lực của cha mẹ đẩy trẻ em Việt Nam bước vào hiện tại và tương lai béo phì, trong đó có trẻ mầm non.

"Thế hệ" phục phịch

Chị Vân gởi con ở mầm non V. quận 8, TP.HCM, đã 1 năm. Chị hài lòng: gửi con ở đây tốt lắm, mới một năm mà thằng bé tăng cân rất đều, do thức ăn ở đây phù hợp, bé ăn nhiều lên cân đều, về nhà lại háu ăn lắm.

Những em bé bệnh béo phì cũng có dấu hiệu háu ăn, theo các chuyên gia dinh dưỡng.

Tuy vậy, như nhiều phụ huynh khác có thể thấy, sau giờ thể dục buổi sáng của các cháu mầm non, các cháu thừa cân và béo phì ở lại sân tập riêng thêm để giảm cân.Bức tranh bé mầm non thừa cân và béo phì trở nên rõ nét hơn khi phụ huynh đứng xem cảnh này.

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, "báo động": Tại TP. HCM, khoảng 12% trẻ dưới 5 tuổi thừa cân béo phì, riêng trong số trẻ đi mầm non có đến 40% thừa cân béo phì.

Trong 10 năm qua tỉ lệ trẻ thừa cân béo phì ở VN đã tăng từ 0,62% lên 5,6% trẻ dưới 5 tuổi, theo Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Lê Bạch Mai, hồi 8.10 năm ngoái, nhân Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển.
Bà nói, một trường học thuộc quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) có đến 60% các bé thừa cân béo phì.

Điều này có nghĩa là trong 10 năm, số trẻ béo phì tăng gấp 9 lần.

Bé đã thừa cân mà vẫn còn muốn tăng thêm nữa

Cả nước có 300.000 trẻ dưới 5 tuổi thừa cân, béo phì, thì 86.000 (29%) trẻ trong số này đang sống ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Nhà khoa học thì lo về một thế hệ tương lai đầy bệnh mãn tính do bệnh béo phì gây ra. Nhưng (nhiều) bà mẹ thì không: 30% bà mẹ có con đã thừa cân béo phì vẫn muốn con tăng cân thêm nữa, theo tiến sĩ Trương Hồng Sơn, Viện Dinh dưỡng quốc gia, tại hội thảo khoa học về thực trạng dinh dưỡng trẻ em ở đô thị do Viện Nghiên cứu y - xã hội học vừa tổ chức, tháng 9 năm ngoái.

Đối đầu với nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do cha mẹ thích con bụ bẫm, các nhà khoa học dinh dưỡng và quản lý chuyển trọng tâm can thiệp vào bữa ăn học đường.

Tại TP. HCM, Trung tâm dinh dưỡng TP. HCM đã hoàn tất bộ chuẩn bữa ăn cho cấp tiểu học hồi năm ngoái. "Sách vàng" này là công cụ chuyên môn có thể giúp thầy cô giáo có thể chấm dứt mò mẫm thiết kế thực đơn - không phải là chuyên môn của ngành giáo dục và thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực cấp dưỡng có chuyên môn dinh dưỡng nhi khoa.

Nhưng bậc mầm non thì chưa có. Trung tâm này tiếp tục xây dựng bộ chuẩn cho trường mầm non trong năm nay.

Nhìn thằng bé con chị Vân bắt đầu có dáng phục phịch, hỏi chị về BMI (chỉ số khối cơ thể) của bé thế nào, chị nói không để ý lắm. Chỉ cần thấy con mập mạp, khỏe mạnh là vui rồi. Thấy chị vui quá, chúng tôi cũng ngại hỏi thêm. Trong khi đó, các bác sĩ không gọi mập mạp là khỏe mạnh!

Kỳ sau: Những bữa ăn thừa tình yêu, thiếu khoa học

Dongoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin