Sốt xuất huyết lan rộng: Đáng lo không kém cúm A

SXH đến sớm hơn và lan rộng ở cả 2 miền

Thời tiết giao mua là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh phát triển nhanh, trong đó có bệnh sốt xuất huyết. Theo các chuyên gia, bệnh sốt xuất huyết xảy ra theo chu kỳ cứ 5 năm lại có một lần đỉnh dịch. Theo đó, đỉnh dịch này xảy ra vào năm 2009, thì năm nay dự báo sẽ là đợt đỉnh dịch mới.


Năm nay SXH diễn ra sớm và phát triển ở các thành phố lớn

Thông thường, sốt xuất huyết thường xảy ra nhiều vào tháng 7, tháng 8 đến tháng 11 nhưng năm nay, từ tháng 3 đã xuất hiện ca bệnh sốt xuất huyết. Năm nay dịch chủ yếu xuất hiện ở các thành phố lớn, tiêu biểu là Hà Nội và TP.HCM. Tại Hà Nội, tính từ đầu năm đến nay đã có 349 ca bệnh với 39 ổ dịch tại 17 quận huyện.

Nhiều trẻ nguy kịch vì sốt xuất huyết

Trong những ngày đầu tháng 9, số bệnh nhi mắc sốt xuất huyết phải nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 liên tục tăng, mỗi ngày có đến 10 trường hợp phải nhập viện.


Tình trạng bệnh nhi chuyển sang giai đoạn sốc sốt xuất huyết quá nhanh

Tuy nhiên, điều đáng lo lắng nhất, theo bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1, đó là tình trạng bệnh nhi chuyển sang giai đoạn sốc sốt xuất huyết quá nhanh, khiến gia đình và bác sĩ trở tay không kịp.

Ở trẻ nhỏ bệnh SXH thường phát hiện trễ vì trẻ có những triệu chứng dễ nhầm với các bệnh lý khác về hô hấp, tiêu hóa, siêu vi trong mùa mưa, BS Nguyễn Trần Nam, Phó Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết.

Bác sĩ Tuấn cho biết thêm, nếu như trước đây, bệnh nhi mắc sốt xuất huyết phải đến ngày thứ 5, 6 không hết bệnh mới có thể chuyển sang sốc sốt xuất huyết, thì hiện nay bệnh nhi mắc sốt xuất huyết chỉ mới 2, 3 ngày đã chuyển sang sốc sốt xuất huyết.

Hiện tại khoa sốt xuất huyết của bệnh viện này có đến 4 trường hợp bị sốc sốt xuất huyết dù chỉ mới mắc sốt xuất huyết có 2, 3 ngày.

Người lớn mắc tăng bệnh gia tăng bất thường

Theo số liệu của Viện Pasteur TP.HCM và Ban điều hành sốt xuất huyết khu vực phía Nam số ca mắc sốt xuất huyết ở người lớn ngày càng tăng với nhiều biến chứng nguy hiểm. Nếu như trước đây sốt xuất huyết chiếm 95% ở trẻ em, người lớn chỉ chiếm 5% thì hiện nay tỷ lệ người lớn mắc sốt xuất huyết lên đến 30%, trẻ em chiếm 70%.

Từ đầu năm đến nay Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã tiếp nhận hơn 3.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó gần 2.000 ca là người lớn. nhiều ca bệnh nặng phải nhập viện. Tình trạng người lớn tử vong do sốt xuất huyết cũng gia tăng trong thờ gian vừa qua.


Người lớn mắc SXH gia tăng bất thường

Theo các bác sỹ, tình trạng tử vong do sốt xuất huyết ở người lớn có một phần là do yếu tố chủ quan, người mắc bệnh là người lớn thường để đến khi có dấu hiệu nặng mới nhập viện. Trong khi đó, hầu hết các trường hợp mắc bệnh sẽ tự khỏi, tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp bị xuất huyết nặng như xuất huyết tiêu hoá, ói ra máu… Một số trường hợp sốt xuất huyết nặng sẽ gây ra tình trạng tổn thương, suy gan nghiêm trọng có thể phải lọc máu.

Sốt xuất huyết là bệnh thường gặp, tuy nhiên người dân vẫn chủ quan trong công tác phòng chống bệnh, nhiều trường hợp nhập viện trễ gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy người dân cần nâng cao ý thức phòng chống bệnh, trong trường hợp mắc sốt xuất huyết cần đến bệnh viện sớm để chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

-Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:

+Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

+Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.

+Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.

+Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

+Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

-Phòng chống muỗi đốt:

+Mặc quần áo dài tay.

+Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.

+Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...

+Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

+Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.



ctv1
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn