Hoàng Đình Quân ([email protected])
Viêm đại tràng mạn tính, nhiều người gọi là bệnh đại tràng mạn tính là tình trạng tổn thương niêm mạc đại tràng, khó điều trị khỏi hoàn hoàn. Viêm đại tràng mạn tính thường xảy ra sau khi bệnh nhân mắc một trong các bệnh: thương hàn, lỵ trực khuẩn, lỵ amip... làm tổn thương và để lại “sẹo” ở niêm mạc đại tràng; bị dị ứng; loét tự miễn dịch; rối loạn thần kinh thực vật gây viêm loét; nhiễm độc các chất: thyroxin, urê máu cao...
Bệnh có các triệu chứng: mệt mỏi, ăn ngủ kém, đầy bụng, hay cáu gắt, có khi sốt nhẹ. Trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân bị gầy sút hốc hác. Đau bụng ở vùng hố chậu hai bên hoặc vùng hạ sườn phải và trái, vùng đại tràng góc gan, đau lan dọc theo khung đại tràng, thường đau quặn từng cơn, có khi đau âm ỉ. Kèm theo đau, bệnh nhân thường mót “đi ngoài”, đi được thì giảm đau. Bệnh nhân đại tiện lỏng nhiều lần một ngày, phân có nhầy, máu; hoặc táo bón, sau bãi phân có nhầy, máu.
Điều trị: Về chế độ ăn, cần ăn các chất dễ tiêu giàu năng lượng, giảm các chất kích thích, không ăn các thức ăn có nhiều xơ. Thuốc có thể dùng là: klion, biseptol, ganidan... thuốc chống tiêu lỏng, chống táo bón, giảm đau chống co thắt...
Phòng bệnh: Phải điều trị tích cực các bệnh nhiễm khuẩn đường ruột. Thực hiện ăn chín uống sôi.
BS. Bùi Thị Thu Hương
Bình luận của bạn