Sữa không thể thay thế cơm bé ăn hàng ngày
Nguyên nhân bé tự nhiên bỏ sữa?
Loạn thị trường “sữa xách tay”
Mập mờ chất lượng sữa nguyên hộp!
Làm cách nào để trẻ uống nhiều sữa hơn?
Câu hỏi: Chào bác sỹ! Con tôi được 3 tuổi nhưng bé rất lười ăn cơm, chỉ thích uống sữa. Bác sỹ cho tôi hỏi có phải đối với trẻ con thì càng uống nhiều sữa càng tốt đúng không? Tôi có thể cho cháu uống sữa thay cơm có được không? Có cách nào giúp bé hứng thú ăn cơm không? Mong bác sỹ tư vấn giúp tôi. Cảm ơn bác sỹ! (Quỳnh Hoa, Hà Nội)
Trả lời:
BS Lê Thị Hải - Giám đốc Trung tâm tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết:
Chào bạn! Sữa được coi là thực phẩm rất tốt cho trẻ vì cung cấp protein, chất béo, calci, cùng nhiều loại vitamin và khoáng chất khác cho cơ thể. Tuy nhiên, sữa không thể thay thế được cơm bé ăn hàng ngày. Uống quá nhiều sữa cũng ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của trẻ. Sữa tuy đủ chất nhưng không mang lại năng lượng cần thiết cho các hoạt động bình thường.
Khi uống nhiều sữa, cơ thể trẻ sẽ bị thừa calories, vì vậy trẻ sẽ không thấy đói. Việc bạn cho con uống nhiều sữa vô hình chung đã khiến trẻ trở nên lười ăn hơn. Vì vậy, nếu trẻ đã lớn, bạn chỉ nên xem sữa là phương án bổ sung. Bạn nên tập cho con ăn những đồ ăn khác để đảm bảo các nguồn dinh dưỡng đa dạng.
Bé nhà bạn đã 3 tuổi, bạn cần cho bé ăn 3 bữa chính là sáng, trưa, tối. Ngoài ra, cho bé uống thêm sữa hoặc nước hoa quả xen kẽ các bữa ăn. Mỗi bữa ăn cần có đủ các thành phần như đường bột (gạo, ngô, khoai, sắn), chất đạm (thịt, tôm, trứng, đậu, lạc, vừng), chất béo (dầu mỡ), vitamin và muối khoáng.
Cách cho trẻ ăn cũng rất quan trọng. Nhiều khi do trẻ uống sữa quá gần bữa ăn nên trẻ no bụng không chịu ăn cơm. Hơn nữa, ở độ tuổi này, bạn nên cho trẻ ngồi ăn cơm cùng gia đình. Do trẻ rất thích bắt chước bố mẹ, nên sẽ thử những thức ăn mới khi thấy bố mẹ ăn. Trẻ cũng rất dễ bị phân tán, nên trong bữa ăn, bạn cần tắt TV, băng đĩa và các trò chơi. Bạn nên theo dõi biểu đồ tăng trưởng để xem cân nặng của trẻ có nằm trong ngưỡng bình thường không, và diễn biến cân nặng như thế nào. Đôi khi, vì tưởng con mình gầy quá, nhiều bậc cha mẹ ép con mình ăn quá nhiều dẫn tới biểu hiện thừa cân và béo phì gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Chúc bé nhà bạn hay ăn, chóng lớn!
Bình luận của bạn