Nguy cơ ngộ độc vì sữa đậu nành bán rong

Sữa đậu nành bán rong dễ gây ngộ độc

Thực tế cho thấy hoạt động của các cơ sở chế biến sữa đậu nành trên đường Ni Sư Huỳnh Liên (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) thường bắt đầu từ rất sớm với các hoạt động nhộn nhịp như: xay đậu, nhóm bếp, nấu sữa, chắt sữa vào chai, chuẩn bị đẩy xe đi bán rong.

Điều đáng nói là tất cả “nhà máy sản xuất sữa đậu nành” rất quy mô ở Tân Bình, chuyên cung cấp sữa đậu nành cho người tiêu dùng tại quận này và các quận lân cận đều nằm toàn bộ trên vỉa hè!

Phần lớn các nhà bán sữa đậu rong thường không ngâm đậu đủ thời gian, chọn đậu cũ và có khi lẫn cả hạt mốc, vỏ còn nguyên.

Khoảng 3 giờ sáng, lò sữa đậu nành của bà S. tại phường 9, Bến Phú Lâm, Quận 6 đã rất tất bật. Do diện tích quá nhỏ nên nồi niêu, chai lọ, được bà để tràn ra cả vỉa hè.

Đến khoảng 10 giờ, các bà ve chai đi qua lò của bà S. để cung ứng vỏ chai. Những vỏ chai trông rất bẩn này được bà S. mua với giá 1.500đồng/chai. Ngay sau khi trả tiền, bà ra hiệu cho một người làm nhặt chai súc rửa sơ sài.

Sau chừng vài phút, những chiếc chai này được dùng để chắt sữa đậu nành nóng đựng trong các thùng (vốn là thùng đựng sơn xây nhà). Những chai sữa để la liệt trên nền đất ướt lần lượt được xếp vào những chiếc túi, đặt lên xe máy chở đi bỏ mối.

Khủng khiếp hơn những chai sữa này lại không hề có nắp đậy trên miệng, dù cho bụi đường bay mù mịt.


Sữa đậu nành bán rong dễ gây ngộ độc

Để sữa đậu nành có mùi thơm, theo một chủ lò nấu, chỉ cần sử dụng ít phụ gia mùi đậu nành có thể mua dễ dàng ở chợ Kim Biên, trung tâm kinh doanh hóa chất tại Quận 5, TP Hồ Chí Minh.

Cụ thể, theo lời của công nhân tên N. làm sữa đậu nành lâu năm tại Phường 16 quận Gò Vấp cho biết, muốn cho sữa uống có mùi thơm và béo thì chỉ việc ra chợ Kim Biên hỏi mua bột béo nấu sữa đậu nành, mà muốn thơm ngậy mùi sữa đậu nành nữa thì hỏi mua thêm viên hương đậu nành. Giá chỉ vài ngàn đồng thôi, nhưng đắt hàng hơn hẳn.

Anh N. còn cho biết, những lò sản xuất khác cũng vậy, khi nào muốn uống sữa thì mọi người nấu riêng ra, chứ nấu như vậy mà uống thì có ngày... vào bệnh viện.

Để minh chứng cho lời mình nói, những nhân công ở đây còn kể nhân chứng là bà hàng xóm của lò, mua mấy bịch sữa đậu nành ở chợ về cho con uống nhưng đến tối phải đưa con vào bệnh viện vì bị ngộ độc.

Một điều đáng lưu ý là để tránh khét, đa phần các lò nấu sữa đậu nành đều chỉ để sữa sôi giả tại nhiệt độ khoảng hơn 80°C, sau đó những gánh hàng rong tiếp tục cho sữa vào trong nồi nấu liu riu trong suốt quá trình bán sữa.

Sự sôi giả của sữa đậu nành nấu theo phương pháp thủ công làm cho các vi khuẩn, mầm mống gây bệnh trong sản phẩm này chưa bị tiêu diệt hoàn toàn.

Theo cuộc điều tra trước đây của Trung tâm Dinh dưỡng TP. Hồ Chí Minh về các sản phẩm sữa, trong đó có sữa đậu nành, cho thấy 90% mẫu sữa đậu nành không nhãn hiệu được khảo sát có chứa vi khuẩn.

Nhiều loại vi sinh gây bệnh tiêu chảy cũng như các loại nấm mốc nguy hiểm đều có mặt trong các mẫu sữa đậu nành đường phố được kiểm nghiệm, với tỷ lệ cao gấp nhiều lần cho phép, trong đó đáng lưu ý là: Bacillus cereus, Clostrisdium perfringens, E.coli, nấm men, mốc, TPC - sinh vật hiếm khí...

Chuyên gia nói gì về chất lượng sữa đậu nành bán rong?

Giống như nhiều mặt hàng trôi nổi khác, sữa đậu nành bán rong chứa nhiều mối nguy tiềm ẩn, có thể gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ngay cả khi sữa đậu nành bán rong được sản xuất đúng quy cách và hợp vệ sinh nhưng nếu quá trình bảo quản, vận chuyển không đảm bảo (như cho vào bao nilon, chai nhựa kém vệ sinh, bán bừa bãi ngoài đường phố, thời tiết nắng nóng…) thì chúng rất dễ bị nhiễm khuẩn hoặc biến chất.

Đặc biệt, với thói quen dùng sữa đậu nành bán rong vô tội vạ, kể cả mua ở các xe đẩy gần rác thải, cống rãnh,… càng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn chéo với môi trường xung quanh. Ngoài ra tình trạng vệ sinh không bảo đảm còn đến từ nguyên liệu, dụng cụ và tay người chế biến.

Kết quả xét nghiệm năm 2010 của Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh cho thấy, có đến 50% các mẫu sản phẩm sữa đậu nành bán rong không đạt chỉ tiêu vi sinh và tiêu chuẩn hóa lý do nhiễm các loại vi khuẩn như E.Coli và Coliforms vượt rất nhiều lần giới hạn cho phép.

Kết quả này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng kém của sữa đậu nành bán rong.

Theo Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, phần lớn các trường hợp ngộ độc vì sữa đậu nành kém chất lượng điều trị tại trung tâm đều do tụ cầu vàng gây nên.

Tình trạng vệ sinh chung không bảo đảm tại các nơi sản xuất và cung cấp sữa đậu nành đường phố sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tụ cầu vàng từ nguyên liệu, dụng cụ và tay người chế biến.

Thức ăn chế biến ở những nơi này có lượng khuẩn tụ cầu vàng nhiều gấp 4 lần so với nơi vệ sinh tốt. TS. Bác sĩ Bùi Mạnh Hà cho biết, ngộ độc thực phẩm dễ xảy ra nếu sữa đậu nành được nấu từ các loại đậu bị nấm mốc.

Aflatoxin là độc tố do nấm Aspergillus Flavus và Aspergillus Parasiticus sản sinh ra trong đậu ẩm mốc rất độc và có thể gây ung thư gan. Sữa đậu nành đường phố đang góp phần làm tăng nguy cơ nhiễm độc đối với người dân.

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ gìn sức khỏe cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách sử dụng các sản phẩm sữa đậu nành có nhãn mác được sản xuất theo quy trình công nghệ vô trùng khép kín, được các cơ quan chức năng chứng nhận.

Chỉ những sản phẩm này mới thực sự là thức uống bổ dưỡng và giải khát an toàn cho mọi người.


CTV3
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin