Tất tần tật những lưu ý về thuốc kháng virus Molnupiravir

Molnupiravir Stella 400 là 1 trong 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất trong nước - Ảnh: Bộ Y tế

Thực hư thông tin thuốc kháng virus Molnupiravir có thể gây yếu sinh lý

Mỹ cấp phép thuốc kháng virus đường uống đầu tiên điều trị COVID-19

Chính phủ yêu cầu phát ngay thuốc kháng virus cho người mắc COVID-19

Bộ Y tế đưa thuốc kháng virus Molnupiravir vào phác đồ điều trị COVID-19

Thuốc kháng virus Molnupiravir là gì?

Molnupiravir là một loại thuốc viên hoạt động bằng cách đưa các đột biến vào mã di truyền của virus SARS-CoV-2, ngăn chặn sự tái tạo của virus. Thuốc có tác dụng giảm tải lượng virus khi sử dụng ở giai đoạn đầu mắc bệnh, từ đó giảm nguy cơ trở nặng và tử vong. 

Những ai được dùng thuốc Molnupiravir?

Theo hướng dẫn bổ sung của Bộ Y tế, người bệnh không có triệu chứng thì không cần uống Molnupiravir. Người bệnh nặng và nguy kịch cũng không có chỉ định dùng, thuốc dùng cho bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên ở mức độ nhẹ và trung bình dưới sự theo dõi của bác sỹ, nhân viên y tế.

Bệnh nhân được đánh giá nhẹ khi chỉ số SpO2 trên 96%, nhịp thở dưới 20 lần/phút. Bệnh nhân mức độ trung bình có SpO2 trên 96%, nhịp thở 20-25 lần/phút.

Bệnh nhân nặng khi SpO2 dưới 94%, nhịp thở cao hơn 25 lần/phút, tổn thương trên X-quang hơn 50%. Bệnh nhân nguy kịch là người bệnh suy hô hấp, cần đặt nội khí quản thông khí hoặc xâm nhập. Người bệnh có sốc hoặc suy đa tạng.

Thuốc Molnupiravir sử dụng trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát các triệu chứng hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính.

Làm thế nào để mua được thuốc Molnupiravir?

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, với Molnupiravir, người bệnh muốn mua thuốc phải được bác sỹ kê đơn sau khi chẩn đoán khẳng định mắc COVID-19. Với trường hợp các F0 điều trị tại nhà, trạm y tế lưu động hoặc đội y tế lưu động sẽ theo dõi sức khỏe, kê đơn điều trị.

Theo Vnexpres.net, tuần qua, một số nhà thuốc đã bán Molnupiravir trên thị trường. Những ngày đầu, nhiều người dân gặp khó khi tiếp cận thuốc, do nhà thuốc chỉ bán cho người có toa thuốc chỉ định của bác sỹ hoặc giấy chứng nhận đang điều trị F0 của y tế địa phương. Trong khi đó nhiều người tự test nhanh, tự điều trị tại nhà, không khai báo y tế địa phương nên không có giấy xác nhận F0 từ cơ quan chức năng.

Sau đó, các nhà thuốc tìm cách tháo gỡ khó khăn cho người mua. Hệ thống nhà thuốc FPT Long Châu chấp thuận thêm phương án người dân quay video tự test nhanh tại nhà dương tính làm điều kiện bán thuốc. Điều này căn cứ trên cách xử trí của một số phường tại Hà Nội chấp thuận cho người dân quay video tự test nhanh tại nhà để xác định ca bệnh và cấp phát thuốc, trong bối cảnh F0 tăng cao, nhiều người không kết nối được với cơ sở y tế. Lãnh đạo FPT Long Châu cũng gửi công văn đến Bộ Y tế đề nghị xem xét chấp thuận các điều kiện bán thuốc như trên, cũng như có những hướng dẫn cụ thể. Đại diện các doanh nghiệp sản xuất thuốc cũng khuyên người dân bình tĩnh, không cần nôn nóng tìm cách trữ thuốc vì sẽ không thiếu thuốc.

Ai cần thận trọng khi dùng thuốc Molnupiravir?

- Phụ nữ có khả năng mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp và có hiệu quả trong quá trình điều trị và trong vòng 4 ngày sau khi sử dụng liều Molnupiravir cuối cùng.

- Đối với phụ nữ cho con bú, không khuyến cáo cho con bú trong thời gian điều trị và trong vòng 4 ngày sau khi sử dụng liều Molnupiravir cuối cùng.

- Đối với trẻ em và thanh thiếu niên: Molnupiravir không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn.

- Đối với nam giới: Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, mặc dù rủi ro được coi là thấp. Vì vậy, nam giới hoạt động tình dục với phụ nữ có khả năng sinh đẻ nên sử dụng một phương pháp tránh thai tin cậy trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng.

- Người bị suy gan, suy thận có thể uống Molnupiravir, nhưng cần dùng một cách thận trọng.

Phác đồ dùng thuốc Molnupiravir thế nào?

Người mắc COVID-19 từ mức độ nhẹ đến trung bình uống Molnupiravir cách 12 giờ/lần trong 5 ngày. Uống 2 lần/ngày.

Thuốc nên được uống nguyên viên với đủ lượng nước, ví dụ một cốc 150-200 ml nước. Bạn có thể uống thuốc bất kỳ thời điểm nào so với bữa ăn, trước ăn hoặc sau ăn nhưng không nên nhai hoặc nghiền viên thuốc.

Thuốc Molnupiravir có những tác dụng phụ gì?

Do thuốc được phê duyệt khẩn cấp trong tình hình dịch bệnh xảy ra trên toàn thế giới nên tác dụng phụ của thuốc có thể chưa được biết đến hết hoặc chưa được hiểu rõ cơ chế. Những tác dụng phụ thường quan sát thấy nhất của thuốc bao gồm đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mẩn ngứa.

Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) khuyến cáo người dân chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sỹ theo đúng chỉ định. Trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc, cần thông báo ngay cho bác sỹ hoặc dược sỹ để được tư vấn và xử trí kịp thời.

Molnupiravir có thay thế nhu cầu vaccine?

Câu trả lời là không. Vaccine vẫn là "lá chắn" hiệu quả nhất chống lại COVID-19. Nhưng do ca nhiễm luôn xuất hiện kể cả khi tỷ lệ tiêm ngừa đã cao, các liệu pháp kháng virus sẽ đóng vai trò quan trọng giảm thiểu bệnh nặng, nhất là ở người lớn tuổi và có hệ miễn dịch yếu.

Cảnh giác với thuốc Molnupiravir trôi nổi

Người bệnh không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường, chỉ sử dụng các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để đảm bảo chất lượng, hiệu quả điều trị và sức khỏe.

 

Trước đó, ngày 17/2, Bộ Y tế đã có quyết định số 69/QĐ-QLD cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện đối với 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất trong nước. Ba loại thuốc được cấp phép gồm: Molravir 400 của Công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam, Movinavir hàm lượng 200 mg của Công ty Cổ phần Hóa - dược phẩm Mekorpha và Molnupiravir Stella 400 của Công ty TNHH Stellapharm.

Tối 23/2, Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) chính thức công bố mức giá thuốc Molnupiravir trong điều trị người mắc COVID-19. Giá thuốc bán lẻ trên thị trường từ 11.500 đồng đến 12.500 đồng/viên.

Lê Tuyết (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội