Ông Dần được người dân gọi là "khắc tinh" của rắn độc
Gặp "Thần y" chữa xương khớp tại gia
Thầy lang “sang trang” cuộc đời cho hàng trăm người nghiện
"Thầy lang quê" chữa vô sinh hiệu quả hơn cả thụ tinh ống nghiệm
Gặp bà lang có tài chữa bệnh nức tiếng xứ Lạng
Ông Dần hay thầy Dần là cái tên mà người dân xã miền núi Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuân, Hà Tĩnh gọi Dương Hửu Dần, sinh năm 1962. Cơ duyên để ông trở thành “khắc tinh” của các loài rắn độc cũng thật tình cờ.
Trở thành khắc tinh của rắn sau khi bị rắn độc cắn
Phóng viên Health+ tìm đến nhà “thần y” nổi tiếng chữa rắn cắn ở xã miền núi Cẩm Mỹ. Mới đến đầu xã hỏi tên ông Dần, nhiều người nhiệt tình chỉ nhà: “Cả cái vùng ni có ai mà không biết vợ chồng ông Dần, bà Xuân chữa rắn cắn. Nhà ông bà nằm khuất trong rừng cây dưới dốc Truông Gai, cạnh bờ hồ Kẽ Gỗ đó”.
Ông Dần cho biết, vào năm ông 24 tuổi, trong một lần đi rừng thì ông bị rắn cắn ở chân. Ngay sau đó, toàn thân ông đau nhức, chân trái bị sưng tấy không thể đứng vững. Ông được người bạn khiêng ra khỏi rừng trong khi phải chống chọi lại những cơn đau từng hồi.
Khi được đưa về nhà cứu chữa một thời gian dài, vết thương của ông vẫn không đỡ hơn buộc gia đình phải chuyển ông lên điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Bệnh viện khẳng định ông cần phải tháo chân vì sắp bị hoại tử, không thì ảnh hưởng đến tính mạng. Vốn là nông dân, nếu tháo đi một chân thì chả khác nào người tàn phế, ông Dần quyết định xin được về nhà nằm.
Hơn một tháng nằm chịu đựng những con đau ghê gớm, chân ông bắt đầu bốc mùi khó chịu, da thịt bắt đầu hoại tử, vữa ra. Ông kể: “Hồi đấy người ta đến xem tôi bị rắn độc cắn như thế nào còn đông hơn là người đến thăm bệnh, cứ nườm nượp như có chuyện lạ ấy”.
Sau một thời gian chạy tìm các loại thuốc, nhờ thầy trong thầy ngoài, may mắn, ông Dần gặp được thầy Tía, là người xã Cẩm Quang, đã hơn 90 tuổi. Vợ chồng ông Dần mời ông Tía đến ở tại nhà chữa bệnh vì lúc này ông Dần không thể ra khỏi nhà. Lúc đầu người thầy thuốc già lên rừng lấy thuốc, sau thì bà Xuân (vợ ông Dần) tự đi lấy theo chỉ dẫn vì thầy không đủ sức lên rừng nữa. “Gần hai tháng uống thuốc thì tôi khỏe hẳn. Tôi thật may mắn vì đã gặp được thầy Tía”, ông Dần cười.
Cũng kể từ đó, ông Dần còn được người thầy thuốc già tin tưởng truyền lại bài thuốc cứu người hiếm có. “Chắc là thầy Tía nhìn mặt gửi vàng vì thầy Tía không truyền lại nghề cho con ông ấy mà”, ông Dần vừa cười vừa kể lại.
Nhớ lời thầy Tía dặn, "làm thuốc cốt chỉ để cứu người, không được tính chuyện lợi lộc", không coi đó là nghề mưu sinh, hơn 30 năm qua ông Dần vẫn luôn coi đó là một công việc quan trọng để tích đức. “Khi người ta gặp nguy hiểm cần đến mình thì suy nghĩ gì nữa!”, ông Dần bộc bạch.
30 năm cứu người miễn phí
Hơn 30 năm hành nghề, đến nay ông Dần không thể nhớ mình đã cứu sống được bao nhiêu người, trong Nam, ngoài Bắc. Cứ có bệnh nhân tìm đến là ông lại lên rừng hái thuốc cứu chữa, dù là nửa đêm. Khi xem qua vết thương hoặc nghe kể về những biểu hiện của người bệnh là ông có thể biết được nạn nhân bị loài rắn nào cắn.
30 năm nay, ông Dần chỉ cứu người miễn phí (Ảnh: DH)
Bằng bài thuốc quý của mình, gần 30 năm nay, ông Dần đã cứu sống không ít người bị rắn độc cắn. Những bệnh nhân đầu tiên là anh Lâm ở Nam Mỹ, Cẩm Xuyên hay anh Tài ở Thạch Lâm, Thạch Hà (Hà Tĩnh) bị rắn cắn bệnh viện trả về, ông Dần đã lấy thuốc và cứu sống được.
Hàng trăm người ở nhiều huyện, tỉnh khác nhau đã được ông cứu chữa trong giờ phút nguy kịch. Rất nhiều trường hợp bị rắn độc cắn, bệnh viện trả về nhưng ông vẫn cứu được.
Ông kể lại, cách đây vài năm, có một người trong Đắk Nông trong một lần đi cạo mũ cao su, do không biết là rắn độc nên người này bắt rắn về chơi và bị cắn. Cứu chữa tại Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng bệnh viện cũng phải “bó tay”. Nghe người mách về tài của ông Dần, người nhà đã ra tận nhà mời ông vào cứu chữa, ông vội vàng chạy vào rừng hái một nắm lá và rễ cây rồi lên xe vào Đắk Nông. Chỉ trong 1 tháng dùng thuốc của ông Dần người này đã được cứu sống.
Anh Mạnh ở phường Đại Nài, TP. Hà Tĩnh cũng từng được ông cứu sống khi viện đã trả về. Anh Nguyễn Huy Khang, giáo viên trường THPT Hà Huy Tập từng bị rắn cắn chân sưng phù, đau nhức phải đưa cả đêm lên nhờ ông Dần chữa trị. Sau ít ngày uống thuốc của ông thì vết thương lành hẳn.
Có người còn nhận ông làm cha nuôi vì được ông cứu sống, đó là trường hợp của anh Phạm Văn Hòa khi đó mới 12 tuổi bị rắn hổ mang cắn, toàn thân đã bị tê liệt, mê sảng… được ông cứu chữa. Biết ơn ông, anh Hòa xin làm con nuôi và giờ đã trưởng thành và đang công tác trong ngành công an tại Đà Nẵng.
Nhiều trường hợp ở xa, người nhà chỉ cần gọi điện cho ông, cho biết các triệu chứng là ông lại lên rừng hái thuốc và bào chế rồi gửi đến cho người ta mà không lấy một đồng nào.
Ngay cả vị Chủ tịch xã Cẩm Mỹ, ông Lê Công Nghĩa cũng đã từng được ông Dần cứu sống, “Năm 1997 tôi bị rắn lục xanh cắn, do không biết nên hơn một ngày sau khi chân đã sưng phù, tím ngắt mới tới nhà ông Dần lấy thuốc, uống chỉ đúng 2 ngày sau là tôi đỡ hẳn”, ông Nghĩa kể lại.
Ông Nghĩa cho biết, đến nay, bài thuốc của ông Dần không chỉ được người trong xóm, trong xã ngợi ca mà nhiều người dân ở các vùng khác cũng tìm đến lấy thuốc và chưa hề có trường hợp xấu nào.
"Thần dược" từ lá và rễ cây
Ông Dần cho biết, bài thuốc của ông có thể cứu được những người bị các loại rắn độc cắn như hổ mang chúa, cạp nia, hổ trâu, hổ mang đất, rắn cò... Riêng với loài rắn lục đuôi đỏ thì chỉ cần dùng một liều là khỏi hẳn. Điều đặc biệt là sau khi xem qua vết thương và những biểu hiện của người bệnh là ông đã biết nạn nhân bị loài rắn gì cắn, từ đó để chia liều lượng thuốc phù hợp. Với bài thuốc của ông, người khi bị rắn cắn còn tích trữ độc tố trong người thì uống vào sẽ thấy ngọt, mát dễ uống. Tuy nhiên, khi trong người hết độc tố, nếu uống tiếp thuốc sẽ không nhập nữa và tự nôn ra. Lúc đó là bệnh nhân đã được cứu.
Bài thuốc của ông có thể cứu được những người bị các loại rắn như hổ mang chúa, cạp nia, hổ trâu, hổ mang đất, rắn cò.... (Ảnh: DH)
Tùy vào nọc độc của từng loài rắn mà ông có phương pháp và liều lượng riêng, có thể uống, đắp trực tiếp vào vết thương, xông hơi… Thuốc của ông là những loại cây mọc trong rừng. Lá của cây được cắt nhỏ nấu nước xông. Củ giã nhỏ hòa với nước lạnh cho uống kết hợp trộn thật đặc với nước rịt lên vết thương. Một người khi bị rắn cắn tùy vào mức độ độc tố mà có lượng dùng khác nhau. Cây thuốc này ông bà Dần không trữ sẵn trong nhà mà ngày nào hái dùng ngày đó bởi nếu để đến ngày hôm sau, thuốc sẽ không còn công hiệu. Nhiều lần, ông đã thử mang về quanh nhà trồng, tuy nhiên đều không thành công.
Sở hữu bài thuốc quý song ông Dần bà Xuân không lấy đó là “nghề kiếm tiền” mà chỉ tâm niệm chữa bệnh cứu người làm phúc, tích đức cho con cháu, đúng như lời người thầy quá cố của ông căn dặn.
Lo ngại lớn nhất hiện nay của ông Dần là lá thuốc quý này càng ngày càng hiếm, có khi phải lặn lội vào rừng sâu tìm mãi mới thấy thuốc, mất nhiều thời gian, công sức mà có khi cũng không tìm ra. Tính mạng của người bị rắn cắn khó cứu khi đã quá muộn.
Đa tài là thế, nhưng đến nay, bài thuốc của ông Dần vẫn chưa được một chứng nhận, chưa từng một giấy khen… Đặc biệt là trong thời điểm mà nạn rắn lục đuôi đỏ đang hoành hành thì bài thuốc gia truyền của ông là một phương pháp cần được nhân rộng. Từ đây có thể nhìn thấy sự bất cập của hệ thống y tế Việt Nam với các bài thuốc cổ truyền hiện nay.
Bình luận của bạn