Trung tâm Ðiều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã chính thức được thành lập theo Quyết định số 2002/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trung tâm được đặt tại Bệnh viện Việt Ðức (Hà Nội), có chức năng tổ chức thực hiện việc điều phối về hiến, lấy và ghép mô, bộ phận cơ thể người giữa các ngân hàng mô và các cơ sở y tế trong phạm vi cả nước.
Phát biểu
tại Lễ công bố Quyết định số 2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thành lập
Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người ngày 29/6, Bộ trưởng Bộ Y tế,
Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người, PGS.TS.
Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, sự ra đời của trung tâm là một dấu ấn quan trọng,
góp phần nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Những năm qua, lĩnh vực
ghép tạng của Việt Nam đã có nhiều bước tiến vượt bậc và đây là một trong 10
thành tựu nổi bật của ngành y tế. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, mặc dù nhu cầu được
ghép mô, bộ phận cơ thể người là rất cao nhưng thực tế hiện nay, việc hiến tặng,
cung cấp mô, bộ phận cơ thể người còn nhiều hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu là
do nhận thức của người dân và đặc biệt là việc tuyên truyền về hiến tạng. Bên cạnh
đó, việc kết nối giữa nhu cầu ghép mô, bộ phận cơ thể với người có khả năng và
tự nguyện hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người được hiến và người ghép chưa được
đẩy mạnh.
Đề cập đến những khó khăn trong lĩnh vực này, PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức chia sẻ, mỗi năm tại bệnh viện có khoảng 1.000 người chết não, nhưng số người hiến bộ phận cơ thể người rất ít. Trong vòng 4 năm mới chỉ có 14 người hiến tạng cho y học. Trong khi đó, số bệnh nhân đăng ký chờ ghép tạng ngày một dài thêm. Hiện nay, tại BV Việt Đức, số người nằm chờ ghép tạng đã lên tới hàng trăm người. Vì vậy, sự ra đời của Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người trực thuộc Bộ Y tế sẽ là cầu nối giữa những người có nhu cầu về ghép các tạng với người tự nguyện hiến, tặng các bộ phận cơ thể người phù hợp với các chỉ số vi sinh học. Trung tâm có nhiệm vụ tiếp nhận tạng hiến, quản lý, lưu trữ thông tin liên quan đến hiến, lấy, ghép bộ phận cơ thể người và điều phối nguồn hiến, ghép để các bệnh viện thuận lợi hơn trong việc ghép tạng cho người bệnh, đồng thời tiếp nhận các đăng ký hiến tạng từ người hiến tình nguyện...
Được biết,
đến nay cả nước có 13 cơ sở y tế đủ điều kiện để thực hiện các kỹ thuật ghép
mô, bộ phận cơ thể người. Kể từ ca ghép thận đầu tiên thành công tại BV 103 vào
năm 1992, đến nay đã có hơn 800 người được ghép thận từ người cho sống và 46
người được ghép thận từ người chết não; 30 người được ghép gan từ người cho sống
và 11 người được ghép gan từ người chết não và 8 ca ghép tim với tỷ lệ thành
công ngày càng cao. Việc cấy ghép các mô tạng khác cũng đã được thực hiện với tổng
số 60 bệnh nhân được ghép tế bào gốc tạo máu và 550 trường hợp đã được ghép
giác mạc. Đây là những thành tích nổi bật, mang lại uy tín, niềm tự hào cho
ngành y tế Việt Nam trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. PGS.TS.
Nguyễn Tiến Quyết cho rằng, chúng ta đã làm chủ được kỹ thuật trong lĩnh vực
ghép tạng, bộ phận cơ thể người. Hơn nữa, chi phí ghép tạng ở Việt Nam chỉ bằng
1/4 của các nước phát triển và các nước trong khu vực.
Để chỉ đạo, hỗ trợ, tạo
điều kiện cho Trung tâm hoạt động hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về
hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người và sẽ sớm thành lập Hội Vận động hiến ghép
mô, bộ phận cơ thể người, kêu gọi sự tham gia của các tổ chức chính trị, chính
quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các chức sắc tôn giáo... nhằm từng bước thay đổi
nhận thức, hành vi của người dân trong vấn đề hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người
sau khi chết. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, để triển khai
thành công nhiệm vụ này, một mình Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận
cơ thể người nói riêng và ngành y tế Việt Nam nói chung không thể thực hiện
thành công mà cần có sự chỉ đạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của các cấp ủy
đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương và của các cấp, bộ, ban ngành
đoàn thể... đặc biệt là của các cơ quan truyền thông, báo chí. Có như vậy, mới
tạo được một cuộc vận động sâu rộng, làm thay đổi nhận thức và hành vi của mỗi
người dân trong cộng đồng, xã hội...
Bình luận của bạn