Quy định "không chấm điểm" gây áp lực lớn cho giáo viên

Năm đầu tiên áp dụng phương pháp không chấm điểm, không bài tập về nhà dành cho học sinh Tiểu học vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều

Những bí kíp giúp bé học đi nhanh

90% học sinh cấp 1 khá, giỏi: "Giỏi thật" là bao nhiêu?

Trường học đóng cửa sau khi học sinh ngất hàng loạt

Trên 45% 
học sinh mắc tật khúc xạ mắt

Phụ huynh mơ hồ, giáo viên bị áp lực

Cầm trên tay tấm bằng khen và học bạ cuối kỳ, em Phan Vũ - học sinh lớp 5D trường Tiểu học Thực Nghiệm (Liễu Giai, Hà Nội) không giấu được niềm vui và sự phấn khích khi em vừa nhận được danh hiệu học sinh suất sắc cả về học tập lẫn rèn luyện. Tuy nhiên, chia sẻ với phóng viên, Vũ cho biết, so với năm học trước trước, em cảm thấy không có sự thay đổi nhiều về kết quả học tập và rèn luyện. Hơn nữa, nếu so sánh, em vẫn cảm thấy thích thú với phương pháp chấm điểm của thầy cô trước kia.

Chị Phan Thúy Vân – mẹ của em Phan Vũ (trú tại ngõ 236 Nguyễn Ngọc Vũ, Hà Nội) chia sẻ, phương pháp mới khiến chị và cháu cảm thấy bị áp lực hơn. “Khi đến kỳ thi học kỳ, hầu như tối nào tôi cũng phải ngồi cùng cháu để xem bài và kiểm tra bài cho cháu. Với phương pháp cũ thì tôi còn biết học lực của cháu đang ở đâu, yếu môn nào để tập trung bồi dưỡng cho các môn đó, còn phương pháp mới thì rất chủ quan nên cứ cuối kỳ là cả hai mẹ con cảm thấy rất áp lực vì phải chú trọng đều các môn”, chị Vân cho hay.

Đồng quan điểm, chị Trần Minh Yến (Tây Hồ, Hà Nội, có con gái học lớp 4) cho hay, ưu điểm của phương pháp mới là giúp giảm gánh nặng về điểm số và bài tập về nhà của các cháu. Tuy nhiên, chị thấy mặt hạn chế của nó chính là tạo cho phụ huynh sự mơ hồ về khả năng học tập của con, điều này khiến chị thường xuyên phải gọi điện cho cô giáo để biết thêm tình hình cụ thể hơn.

Các giáo viên trường Tiểu học Thụy An (Ba Vì) đang viết nhận xét cho học sinh 

Cần giảm tải số lần nhận xét học sinh trong một năm học      

Ông Phạm Hồng Phong - Phó trưởng phòng Giáo dục huyện Ba Vì cho biết: “Theo Thông tư 30 thì hồ sơ sổ sách còn khá công kềnh, việc đánh giá thường xuyên liên tục sẽ gây áp lực cho các giáo viên. Tôi kiến nghị Bộ GD&ĐT nên xem xét, cải tiến hồ sơ sổ sách, chẳng hạn như mỗi kỳ thì chỉ nên nhận xét 2 lần để giảm áp lực cho giáo viên”.

Khi khảo sát tại Trường Tiểu học Tây Đằng A (huyện Ba Vì, Hà Nội), phần lớn các giáo viên cho biết, Thông tư 30 vẫn còn khá nhiều bất cập. Cái rõ mồn một trước mắt phải kể đến là áp lực lớn về sổ sách, về những câu chữ để nhận xét cho hàng trăm học sinh luôn là gánh nặng thường trực trên đôi vai của mỗi giáo viên.

Cô Ngô Thị Lương - Giáo viên Trường Tiểu học Tây Đằng A chia sẻ: “Lớp mình chủ nhiệm có 40 em nhưng mỗi một giờ trung bình mình chỉ nhận xét được khoảng 10 em. Thời gian thì gấp rút mà nhiều phụ huynh học sinh lại muốn mỗi ngày giáo viên phải nhận xét đầy đủ trên vở của tất cả học sinh. Điều này khiến giáo viên thực sự bị quá tải”.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Hiệu trưởng trường Tiểu học Thụy An (huyện Ba Vì, Hà Nội) cho rằng, muốn thể hiện đúng tinh thần của Thông tư thì có lẽ phải làm một cuộc cách mạng tư duy đối với giáo viên để thay đổi lối mòn dạy học.

Đặc biệt, ông Phạm Hồng Phong - Phó trưởng phòng Giáo dục huyện Ba Vì nhấn mạnh, cần giảm tải số lần nhận xét học sinh trong một năm học để phương pháp này đi vào hoạt động một cách hiệu quả và từ đó sẽ dần xóa bỏ bất cập về sổ sách còn tồn tại hiện nay.

Mặc dù Thông tư 30 là bước ngoặt trong việc cải cách giáo dục Tiểu học ở nước ta nhưng vẫn còn đó những băn khoăn cần lời giải, gánh nặng về những cuốn sổ đánh giá, những lời nhận xét hàng ngày vẫn thường trực trong mỗi thầy giáo, cô giáo. Trong khi chờ đợi những cải tiến sửa đổi sao cho phù hợp với thực tế, giáo viên, học sinh và phụ huynh cũng cần thể hiện cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, góp phần thực hiện mục tiêu mà Bộ GD&ĐT đã đề ra.

Theo thông tư số 30 được bộ GD&ĐT ban hành ngày 28/8/2014, vào cuối học kỳ I và cuối năm học, hiệu trưởng sẽ chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm họp với các giáo viên dạy cùng lớp thông qua nhận xét quá trình và kết quả học tập, hoạt động giáo dục khác để tổng hợp đánh giá mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của từng học sinh về học tập, năng lực và phẩm chất. Giáo viên chủ nhiệm ghi nhận xét, kết quả tổng hợp đánh giá vào học bạ thay cho việc chấm điểm như trước đây.
M.Hiếu H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội