Đó là kết luận trong nghiên cứu của các nhà tâm lý - giáo dục thuộc trường ĐH Sư phạm, Đại học Huế được trình bày tại Hội thảo Xây dựng và Quản lý chất lượng chương trình đào tạo và cơ sở thực hành tâm lý học đường ở Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 14-15/8/2014.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, hầu hết học sinh lớp 12 đều trải nghiệm stress trong học tập ở mức độ tương đối cao: hơn 80% học sinh đều ở mức độ từ “khá căng thẳng” đến “căng thẳng rất nhiều” vì những tác nhân như khối lượng kiến thức cần tiếp thu lớn, lịch học dày đặc, nhiệm vụ học tập quá nhiều, không có đủ thời gian để ôn tập và củng cố kiến thức đã học, các kỳ kiểm tra/kỳ thi. Đặc biệt, có tới 93% học sinh cho rằng họ căng thẳng vì khối lượng kiến thức cần tiếp thu quá lớn.
Học sinh stress do khối lượng kiến thức cần tiếp thu lớn
Trong khi đó, kỹ năng quản lý thời gian của học sinh lớp 12 lại ở mức trung bình và cần phải cải thiện hơn nữa 3 kỹ năng: lên kế hoạch, thiết lập nhiệm vụ ưu tiên và cân bằng lối sống. Bởi gần 20% học sinh rất thường xuyên và 50% thỉnh thoảng làm nhiều việc cùng 1 lúc, dẫn tới mất thời gian cả ngày chỉ để giải quyết những việc linh tinh, rắc rối. Ngoài ra, gần 100% cho rằng các em phải rất thường xuyên học tập, làm việc mà quên cả ăn, không tập thể dục và không có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Đặc biệt hơn, 53% tiết lộ rằng các em chỉ toàn nói chuyện về công việc, việc học trong các cuộc họp mặt, tề tựu với người thân và bạn bè.
Kỹ năng quản lý thời gian của học sinh lớp 12 ở mức trung bình
Được biết, nghiên cứu đã thực hiện ở 160 học sinh trường THPT Quốc học Huế. Tất cả các học sinh này sẽ trả lời 10 câu hỏi liên quan đến trải nghiệm tinh thần của học sinh lớp 12 với những tác nhân gây tress trong học tập như kỳ thi, kiểm tra, lịch học dày đặc, nhiệm vụ học tập quá nhiều, phương pháp học chưa hiệu quả… đồng thời được trắc nghiệm “Quản lý thời gian”.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng cần phải có nghiên cứu sâu hơn về các yếu tố điều tiết mối quan hệ giữa quản lý thời gian và stress cũng như những điều kiện xã hội khác để có những kết luận xác đáng hơn.
Bình luận của bạn