Ảnh minh họa.
Phát hiện của nghiên cứu mới đây trên tạp chí Cancer Prevention Research có thể giúp đơn giản hóa việc cung cấp vắc xin và giảm chi phí, làm tăng số thanh thiếu niên được tiêm vắc xin. Vắc xin HPV được khuyến nghị cho nam và nữ trước khi bắt đầu có sinh hoạt tình dục, nhưng một nghiên cứu năm 2012 của Mỹ cho thấy chỉ 1/3 số em nữ và chưa đến 7% số em nam ở tuổi vị thành niên tiêm đủ 3 liều vắc xin theo như khuyến nghị.
Nghiên cứu của Phòng Dịch tễ Ung thư và Di truyền thuộc Viện Nghiên cứu Ung thư Quốc gia (Mỹ) tập trung vào nhóm dân cư gồm gần 7500 nữ tuổi từ 18-25 ở Costa Rica. Mặc dù tất cả đều cần tiêm đủ 3 liều vắc xin HPV, song có khoảng 20% số đối tượng không thực hiện được điều này.
Vì thế các nhà nghiên cứu đã phân tích các mẫu máu từ một nhóm gồm 78 người chỉ tiêm một liều, so với 120 người tiêm 2 liều và 192 người tiêm đủ 3 liều theo đúng lịch. Họ thấy rằng tất cả các phụ nữ trong cả 3 nhóm đều có kháng thể chống lại các chủng HPV độc tính cao là chủng 16 và 18. Những kháng thể này tồn tại trong máu tới 4 năm, bằng với thời gian mà vắc xin dự kiến là sẽ có hiệu quả. Nồng độ kháng thể cũng tỏ ra ổn định qua thời gian, mặc dù hơi thấp hơn ở nhóm tiêm một liều, cho thấy "đây là những đáp ứng kéo dài".
Vắc xin được dùng trong nghiên cứu là Cervarix của hãng GlaxoSmithKline. Đáp ứng kháng thể với một liều duy nhất vắc xin Gardasil của hãng Merck còn chưa được đánh giá.
Cần nghiên cứu thêm trước khi đưa ra được quyết định chính thức, tuy nhiên phát hiện từ nghiên cứu này có thể có ý nghĩa lớn với những nước có thu nhập thấp. HPV có thể gây ung thư miệng, hậu môn và cổ tử cung. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ung thư cổ tử cung là ung thư hay gặp thứ hai ở phụ nữ trên toàn thế giới, khiến 500.000 người mắc bệnh và 250.000 người tử vong mỗi năm.
Bình luận của bạn