Thức ăn nhanh và đồ dùng một lần: Tiện một, hại một trăm

Từ thức ăn tiện lợi

Sau khi Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu thông báo, vừa phát hiện hóa chất acrylamide gây ung thư được tìm thấy trong bim bim, cà phê, khoai tây chiên, bánh mì nướng bị cháy, Cục an toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y Tế) đã đề nghị Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia lấy ngẫu nhiên 3 mẫu sản phẩm khoai tây chiên tại các cơ sở thuộc hệ thống cửa hàng kinh doanh đồ ăn nhanh KFC và 3 mẫu bim bim đang lưu thông trên thị trường để kiểm nghiệm.

Trước thông tin này, dư luận hết sức lo lắng. Bởi gần đây, đồ ăn nhanh trở thành những món ăn rất được ưa chuộng, đặc biệt là giới trẻ bởi tính tiện lợi. Hiện nay, Việt Nam được coi là thị trường tiềm năng đối với các hãng đồ ăn nhanh.


Đồ ăn nhanh đang rất được ưa chuộng ở Việt Nam bởi tính tiện lợi

Một báo cáo gần đây của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng chỉ ra, những người ăn thức ăn nhanh một lần trong tuần có nguy cơ bị bệnh tim mạch tăng hơn 20% so với những người không bao giờ ăn đồ ăn nhanh. Nguy cơ này thậm chí tăng lên đến 50% đối với những người ăn 3 lần một tuần, và 80% với những người ăn nhiều hơn thế.

Bác sỹ Lê Thị Tình, Khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thức ăn nhanh có hàm lượng năng lượng cao, nhiều đạm, nhiều muối, nhưng lại ít vitamin, thiếu chất xơ và khoáng chất, do vậy không cân đối được các chất dinh dưỡng. Theo bác sĩ, những người thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh, cơ thể sẽ dư thừa năng lượng và chất béo, tạo nên tình trạng thừa cân, béo phì dẫn tới các bệnh lý liên quan như tăng huyết áp, đái tháo đường, đột quỵ, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim.

Về vấn đề này, bác sỹ dinh dưỡng Nguyễn Thu Hương, Trung tâm Tư vấn phục hồi dinh dưỡng và kiểm soát béo phì (Viện Dinh dưỡng) cũng khuyến cáo: “Thức ăn nhanh có năng lượng cao hơn một bữa ăn bình thường, nhưng lại nhỏ gọn nên chỉ trong một thời gian rất ngắn, người ăn đã thu thập năng lượng nhiều hơn nhu cầu. Ăn nhanh thường làm cơ thể chưa cảm thấy no, người ăn luôn ăn nhiều hơn nhu cầu thực tế. Vì vậy, cách tốt nhất là nên hạn chế ăn thức ăn nhanh”.

Một loại thức ăn tiện lợi khác cũng được người Việt Nam hết sức ưa chuộng là mì ăn liền. Tuy nhiên, mới đây một thông tin được công bố đã gây “sốc” cho nhiều người: 100% mẫu mì tôm được kiểm tra có chứa chất tẩy rửa.

Thông tin trên đã khiến nhiều người hoảng hốt. Bởi mì ăn liền là món ăn rất phổ biến, thậm chí nhiều người coi đó là thức ăn hàng ngày vì sự tiện lợi trong chế biến và giá thành rẻ.

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có lượng tiêu thụ mì ăn liền lớn nhất thế giới với khoảng 5,1 tỷ gói mì mỗi năm. Với tốc độ tiêu thụ chóng mặt như vậy, mì tôm đang góp phần làm gia tăng các bệnh nguy hiểm ở cộng đồng như sỏi thận, ung thư…

Đến đồ dùng 1 lần

Kết quả kiểm tra trong tháng 7 của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM với mẫu đũa tre loại dùng một lần đã phát hiện hoá chất Sulphur, hydrogen peroxide, sodium sulfite và chất ngăn nấm mốc. Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ gây nhiều bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, một trong những người có công đầu trong việc áp dụng công nghệ Ozone ở Việt Nam cho biết: "Loại đũa dùng một lần hầu hết đều được làm bằng gỗ tạp. Để trồng nhanh và đáp ứng được nhu cầu, người ta phun rất nhiều loại thuốc.


Các loại đũa dùng 1 lần tẩm đầy hóa chất

Trong quá trình xử lý thì dùng lưu huỳnh để không bị mốc, khi ăn thì dịch vị tác dụng, các chất của thức ăn tác dụng làm cho sự hoà tan nhanh chóng diễn ra. Nhất là khi thức ăn lại nóng và có mỡ lỏng thì sự hoà tan rất nhanh.

Nhiều khi đũa dùng một lần dùng trong bát canh hoặc lẩu nóng thì quá trình tương tác hoà tan giữa các chất diễn ra rất mạnh. Trong đó chất lưu huỳnh là một chất độc hại được sử dụng trong việc chống ẩm mốc. Điều thứ hai, nếu một ngày dùng vài trăm triệu đôi đũa như thế thì số lượng gỗ bị tiêu thụ rất lớn, việc dùng đũa một lần là vệ sinh nếu nó sạch nhưng nếu không sạch hoá ra lại gây tác hại một lần nữa, ảnh hưởng tới môi trường thiên nhiên”.

Theo kết quả điều tra mới nhất của Hiệp hội Đóng gói thực phẩm Trung Quốc, các sản phẩm dùng một lần như đũa, hộp xốp đựng thức ăn, dĩa, ống hút… đều có vấn đề về chất lượng. Phần lớn những sản phẩm này chứa hàm lượng kim loại nặng vượt quá tiêu chuẩn cho phép, khi ngấm vào cơ thể có thể dẫn đến ung thư.

Không chỉ có đũa ăn một lần, các sản phẩm nhựa tiện lợi khác như ống hút, hộp xốp đựng cơm, cốc nhựa dùng 1 lần… cũng tiềm ẩn những chất độc hại.

Một thông tin gần đây cho biết, hầu hết các loại ống hút nhựa giá rẻ đều được sản xuất từ nhựa phế thải.

Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng loại ống hút được sản xuất bằng nhựa phế thải, không qua xử lý sẽ tiền ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Việc sơ chế nguyên liệu cũ không đảm bảo sẽ mang những mầm bệnh nguy hiểm vào những sản phẩm được sản xuất thủ công. Đó là chưa kể đến nhiều cơ sở sản xuất dùng phẩm màu công nghiệp tạo màu cho sản phẩm, khi sử dụng rất dễ bị thôi nhiễm, đặc biệt là cốc nhựa đựng đồ uống, ống hút được người sử dụng tiếp xúc trực tiếp vào miệng.

Đối với các loại hộp xốp đựng thực phẩm, Kỹ sư Vũ Tân Cảnh, Phòng Vật liệu Polyme và Compzit, Viện Khoa học Vật liệu thuộc Viện Khoa học Công nghệ Ở Việt Nam, cảnh báo, nguyên liệu chính để chế tạo hộp xốp là một loại nhựa nhiệt dẻo gọi là Polystiren phân tử thấp, do vậy nó chỉ được dùng để đựng thức ăn nguội, còn đựng thức ăn nóng là điều tối kỵ. Vì nhiệt từ thức ăn nóng sẽ khiến loại nhựa này giải phóng ra một chất độc có tên là monostyren, ngấm vào thức ăn, ăn vào sẽ cực hại cho gan, cũng như gây ra nhiều bệnh khác.

Theo các chuyên gia, thói quen sử dụng thực phẩm tiện lợi như thức ăn nhanh, mì ăn liền… và các đồ dùng 1 lần như đũa, ống hút, hộp xốp, cốc nhựa… sẽ dẫn tới nhiều nguy cơ nhiễm độc do các hóa chất trong những đồ tiện này xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên sử dụng thực phẩm được chế biến cẩn thận, đảm bảo vệ sinh và sử dụng đồ đựng thực phẩm, dụng cụ ăn uống có nguồn gốc rõ ràng để bảo vệ sức khỏe.


CTV3
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn