Hiện mức chi cho y tế của nước ta khoảng 6,5% (theo nhận định của nhiều tổ chức quốc tế), trong đó khoảng một nửa là từ cơ chế tài chính công, tức là từ nguồn thuế Chính phủ và bảo hiểm xã hội. Chi trả từ tiền túi cho dịch vụ y tế đã có giảm nhưng còn cao nên vẫn là gánh nặng cho người dân. Trong khi đó, chất lượng y tế của Việt Nam chưa thực sự hiệu quả ở cả 3 phương diện: y tế điều trị, y tế cơ sở, thuốc và trang thiết bị.
Về y tế điều trị, tình trạng quá tải bệnh viện, chất lượng khám chữa bệnh… chưa được cải thiện. Y tế cơ sở - nơi thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân là các trạm xá, trạm y tế, công tác phòng dịch, an toàn thực phẩm… còn nhiều bất cập. Cùng lúc đó, hiện tượng thiếu hụt thuốc men, trang thiết bị, sinh phẩm trong bệnh viện đang ở mức báo động. Đây là những vấn đề cần có các chiến lược từ Bộ Y tế và Chính phủ để giải quyết tận gốc.
Theo nhiều báo cáo, thị trường dược phẩm Việt Nam (năm 2021) ước đạt khoảng 7,7 tỷ USD, với tỷ trọng thuốc tân dược hơn 95%. Mức tăng trưởng của thị trường dự báo sẽ đạt mức 2 con số trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên giá trị gia tăng của các sản phẩm tân dược không cao do hầu hết phải nhập khẩu thành phẩm hoặc nguyên liệu chính. Chúng ta chưa có chiến lược hiệu quả cho nghiên cứu và phát triển (R&D) các thuốc mới để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Trái lại, ngành TPCN (bao gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe - TPBVSK, thực phẩm bổ sung - TPBS, thực phẩm tăng cường…) lại đang phát triển mạnh mẽ. Ước tính tổng doanh số ngành TPCN trên thế giới khoảng 320 tỷ USD (số liệu 2020 – theo Euromoniter) và mức tăng trưởng khoảng 20%/năm. Sở dĩ ngành TPCN phát triển nhanh là do ngành này đáp ứng xu thế của xã hội như bảo vệ thiên nhiên, chống biến đổi khí hậu, các sản phẩm thiên nhiên ngày càng được ưa chuộng trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, xu hướng chăm sóc sức khỏe và điều trị bằng các sản phẩm có nguồn gốc y học cổ truyền… Đặc biệt trong cơn thủy triều các bệnh mạn tính không lây thì các thuốc tân dược không đáp ứng được nhu cầu điều trị lâu dài trong khi đó TPBVSK là giải pháp thay thế rất tốt.
Các nước châu Âu và Mỹ thường chỉ sản xuất thực phẩm bổ sung (Dietary Supplement) vitamin, khoáng chất, chất sinh học và không trực tiếp nhắm vào hỗ trợ điều trị bệnh. Một số nước như Nhật Bản thì hay dùng các hoạt chất thiên nhiên từ thảo dược. TPCN ở Ấn Độ và Trung Quốc thì mới đang ở giai đoạn bắt đầu đi vào thị trường. Các nước trong khối ASEAN cũng nắm bắt được xu thế về TPCN nên tốc độ phát triển ngành này khá nhanh. Khối cũng đã đưa ra các tiêu chuẩn hòa hợp về TPCN để các nước trong khối cùng tuân thủ (chẳng hạn như tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt TPBVSK – GMP-HS, tiêu chuẩn giới hạn các chất gây ô nhiễm…). TPCN ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Hàn Quốc, Đài Loan… cũng là thị trường rất tiềm năng do họ có ngành công nghệ sinh học phát triển cao và y học cổ truyền cũng rất phát triển.
Khối các nước như Mỹ Latinh và châu Phi và Trung Đông thì thị trường TPCN còn chưa phát triển. Đây cũng là các thị trường tiềm năng rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam.
Ngành TPCN Việt Nam mới phát triển khoảng 20 năm. Từ chỗ người dân còn ít biết về TPCN và sản phẩm chủ yếu là nhập khẩu (từ Mỹ và Nhật) thì đến nay hầu hết người dân Việt Nam đã biết về loại sản phẩm này. Tỷ lệ người sử dụng TPCN theo thống kê của Hiệp hội TPCN Việt Nam đã đến trên 80% dân số vào năm 2021. Hiện có tới gần 10.000 doanh nghiệp và trên 30.000 số đăng ký công bố và tự công bố TPCN.
Thị trường TPCN ước đạt trên 8 tỷ USD chưa kể con số không thống kê được qua hàng xách tay, hàng nhập lậu hay sản xuất trôi nổi không rõ nguồn gốc. Ngành TPCN đã có hàng nghìn cơ sở sản xuất (trong đó trên 200 cơ sở sản xuất đạt GMP-HS) và tạo việc làm cho hàng chục vạn lao động. Nếu tính cả các lao động bán thời gian thì con số này lên tới triệu người. Chỉ tính riêng 10 công ty bán hàng trực tiếp như Vinalink Group, Amway, Herballife, Nuskin… thì số cộng tác viên đã lên tới trên 500.000. Các công ty bán hàng online cũng thu hút lực lượng cộng tác viên đông đảo.
Có nhiều lý do khiến ngành TPCN phát triển nhanh và trở thành mũi nhọn của ngành kinh tế - y tế:
Thứ nhất phải kể đến chính là hoạt động công nghiệp hóa diễn ra nhanh dẫn đến sự thay đổi trong lối sống, trong thực phẩm. Từ thực phẩm và chế biến truyền thống sang thực phẩm chế biến sẵn, từ lao động chân tay tới ngồi trên máy tính trong văn phòng, ít vận động. Cùng với sự biến đổi khí hậu và sự thay đổi mô hình bệnh tật, các loại bệnh mạn tính không lây ngày càng phát triển, không gian sinh sống và sinh hoạt ngày càng đô thị hóa… Chính vì vậy việc chăm sóc và điều trị bệnh tật cũng có nhiều sự thay đổi. Con người ngày càng chú ý tới các sản phẩm phi truyền thống (các loại thuốc được gọi là truyền thống) bao gồm TPCN tới các liệu pháp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp... (các trung tâm thể dục thể thao, yoga, khí công, thiền, spa… ngày càng nở rộ).
Thứ hai xu hướng sử dụng các sản phẩm thiên nhiên, bảo vệ môi trường của nhân loại là xu hướng của thế kỷ 21, việc các sản phẩm gây ô nhiễm, sử dụng quá nhiều tài nguyên sẽ dần dần bị loại bỏ. Các Chính phủ cũng đồng lòng cùng Liên Hợp quốc trong các dự án chống biến đổi khí hậu, giảm khí thải nhà kính, tăng sử dụng nhiên liệu tái tạo và thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh hướng tới tăng trưởng bền vững thân thiện với môi trường.
Thứ ba việc ứng dụng công nghệ cao nhất là công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử trong việc nghiên cứu sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên các sản phẩm y học cổ truyền đem đến động lực phát triển mới cho các ngành trên mà TPCN chính là sự kết hợp hiệu quả của của sự phát triển ấy.
Thứ tư, tiềm năng của ngành TPCN của Việt Nam còn rất lớn do nước ta sở hữu nguồn dược thảo phong phú, có nền y học cổ truyền lâu đời và sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Thứ năm, Việt Nam cũng là điểm đến của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI với tổng mức đăng ký đầu tư và giải ngân hàng năm giữ luôn ở mức hàng chục tỷ USD. Độ mở khi tham gia vào nền kinh tế thế giới của ta được xếp hạng cao bậc nhất toàn cầu. Việt Nam dự báo sẽ có năm thứ 7 liên tiếp đạt thặng dư thương mại từ mức 2,16 tỷ USD năm 2016 lên mức kỷ lục 19,1 tỷ USD vào năm 2020 (không giữ được đà tăng trong 2 năm gần nhất là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng vẫn ở mức thặng dư). Quan trọng là chúng ta có tiềm năng lớn xuất khẩu TPCN tới nhiều thị trường như Mỹ, EU, Trung Đông, Mỹ Latinh, châu Á…
Để ngành TPCN Việt Nam thực sự trở thành mũi nhọn của kinh tế - y tế thì chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, phải có tầm nhìn từ Chính phủ tới các Bộ ngành liên quan, đến tâm huyết của các doanh nhân…
Thứ nhất, Chính phủ phải thấy được tiềm năng kinh tế của ngành TPCN và đề ra chiến lược phát triển, thúc đẩy ngành TPCN (trong đó có chính sách, cơ chế đặc thù…).
Thứ hai, Bộ Y tế cần ra các chính sách để tiêu chuẩn hóa các dạng bào chế TPCN, ban hành các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm để minh bạch và để phát triển công bằng. Việc tiêu chuẩn hóa chất lượng cần có lộ trình rõ ràng.
Thứ 3, Hiệp hội TPCN Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI và các hội, hiệp hội khác cần vận động hướng dẫn cho các doanh nghiệp tham gia thị trường, hỗ trợ, xúc tiến thương mại quốc tế…
Bình luận của bạn