Thuốc cảm làm bệnh cúm dễ lây?

Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trường Đại học McMaster ở Ontario, Canada mới đây cho thấy, thuốc trị cảm cúm có thể kéo dài thời gian bị bệnh và khiến bệnh dễ lây hơn.

Các nhà khoa học cho biết trong khi aspirin, paracetamol và ibuprofen mang lại cho người sử dụng cảm giác dễ chịu hơn nhờ giảm thân nhiệt, song chúng cũng khiến vi rút dễ lây lan hơn. Hậu quả là sẽ có nhiều người mắc bệnh.


Theo tính toán của các nhà nghiên cứu Canada thì việc uống các loại thuốc để làm giảm tình trạng ra mồ hôi và ớn lạnh do cúm là thủ phạm khiến ít nhất 20 trường hợp mắc bệnh và nhiều trường hợp tử vong.

Thay vì uống thuốc để hạ nhiệt độ, những người bị cúm nên nghỉ ở nhà, nghỉ ngơi thật nhiều và dùng một số loại canh giàu dinh dưỡng.

Các nhà khoa học đã lần đầu tiên tập hợp các nghiên cứu về sinh học của bệnh cúm. Trong số này có một nghiên cứu cho thấy chồn sương giải phóng ra nhiều vi rút cúm hơn và bị bệnh lâu hơn khi được dùng thuốc hạ sốt.

Nhiệt độ cao khi sốt được cho là có tác dụng khởi động hệ miễn dịch chống lại bệnh. Nếu không, lượng vi rút cúm trong ho và hắt hơi sẽ tăng lên, khiến vi rút dễ lây lan hơn.

Mặc dù chồn sương có vẻ là loài động vật khác lạ, song các triệu chứng cúm của chúng là giống nhất với triệu chứng ở người.

Sau đó các tác giả đã bổ sung thêm số liệu về sử dụng paracetamol và các thuốc khác để tính toán mức độ tác động của chúng đến sự lây lan bệnh cúm. Họ tính ra rằng trong một mùa đông điển hình ở Bắc Mỹ, những loại thuốc trên là thủ phạm của 5% số trường hợp mắc bệnh và hơn 1000 ca tử vong.

Nếu điều này cũng đúng ở Anh thì nó tương đương với 200 ca tử vong mỗi năm.

Tuy nhiên, các chuyên gia ở Anh cho rằng nghiên cứu này chỉ mang tính giả thuyết, vì sự lây lan của bệnh cúm phức tạp hơn nhiều so với những tính toán này.

Theo GS. Ian Jones, chuyên gia về bệnh cúm tại Trường Đại học Reading: “Đây có thể là một yếu tố ảnh hưởng đến sự lây lan của cúm, nhưng nói chung còn rất nhiều yếu tố rất khó hình dung để có thể khuyên mọi người nên ngừng dùng các thuốc điều trị cảm.”.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin