Nguyên nhân là do các yếu tố đầu vào và quá trình sản xuất của nông dân, trang trại chưa được kiểm soát tốt. Năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành VietGAP ( Vietnamese Good Agricultural Practices - Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn) đối với ngành thủy sản, nhằm kiểm soát một cách hệ thống các mối nguy hại để đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm thiểu dịch bệnh, ô nhiễm môi trường sinh thái, đảm bảo trách nhiệm xã hội và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Việc xây dựng bộ tiêu chuẩn VietGAP cho thủy hải sản, áp dụng đúng theo quy chuẩn sẽ tạo được thương hiệu đối với nhà nhập khẩu và giảm chi phí sản xuất. Hiện tại, tiêu chuẩn VietGAP mới được triển khai cho tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá tra và áp dụng đối với ao nuôi. Sắp tới, tiêu chuẩn này sẽ xây dựng thành quy chuẩn cho các chủng loại thủy hải sản khác với nhiều hình thức nuôi trồng khác.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, mới chỉ có 6 doanh nghiệp (DN) thủy sản lớn được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, năm 2012, có 7 - 8 DN thủy sản xin chứng nhận VietGAP cho vùng nuôi cá tra xuất khẩu nhưng đến nay vẫn chưa DN nào có được chứng nhận này.
Lý do, theo ông Hòe, các tiêu chuẩn VietGAP quá cao. Có đến 4 nội dung mà người nuôi phải đáp ứng, đó là chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm; quản lý sức khỏe động thực vật thủy sản; bảo vệ môi trường; và các khía cạnh kinh tế - xã hội. Để có được chứng nhận VietGAP, nông dân, trang trại, DN sẽ phải mất rất nhiều thời gian.
Ông Hồ Văn Vàng, Phó chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho rằng, việc các cơ sở nuôi phải thực hiện những tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm (như có ao lắng, ao chứa, môi trường sạch, thuốc phòng chữa bệnh phải theo quy trình nghiêm ngặt để sản xuất ra sản phẩm sạch, quá trình nuôi phải ghi chép thành nhật ký và được chi cục thủy sản kiểm tra thường xuyên...) là rất khó khăn cho những hộ nhỏ lẻ."Những người nuôi nhỏ cho rằng, nuôi tự nhiên bán cũng vậy mà nuôi theo tiêu chuẩn bán cũng thế nên không cần phải thực hiện. Chúng tôi đã nhiều lần tính đến chuyện liên kết những cơ sở nhỏ lẻ để triển khai VietGAP nhưng rất khó để thực hiện vì những cơ sở nhỏ thường xa nhau lại không có điều kiện để đầu tư", ông Vàng cho biết thực tế triển khai VietGAP đối với những hộ nuôi cá tra tại Vĩnh Long.
Đã khó trong việc thực hiện, những người nuôi trồng thủy sản còn lo ngại về đầu ra sản phẩm. Để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nông dân phải mua giống tốt giá đắt, nuôi trồng theo hướng dẫn của nhà khoa học, xin giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn... Những chi phí này sẽ khiến giá thành sản phẩm tăng.Theo dự thảo về Nghị định Cá tra, bắt đầu từ năm 2015, các sản phẩm cá tra xuất khẩu bắt buộc phải áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Ông Hòe cho rằng, điều này cần phải xem lại. Bởi, VietGAP áp dụng cho hộ nuôi (trong quá trình nuôi), trong khi xuất khẩu là DN chế biến. Nếu áp dụng quy định này sẽ xảy ra hai vấn đề.
Thứ nhất là các DN chế biến buộc phải tiến hành nuôi để đạt được chứng nhận VietGAP, khi đó, người dân sẽ không nuôi và chi phí sẽ tăng cao. Thứ hai là nếu áp dụng VietGAP cho tất cả các hộ nuôi để xuất khẩu thì phải tính như thế nào cho phù hợp vì có đến hàng chục ngàn hộ nuôi.Hơn nữa, hiện nay, VietGAP vẫn chưa được quốc tế công nhận tương đương với các tiêu chuẩn có uy tín khác như BAP, GlobalGAP, ASC... càng khiến DN không mặn mà với việc triển khai tiêu chuẩn này.
Theo ông Hòe, việc áp dụng VietGAP là động lực để phát triển ngành nuôi trồng thủy hải sản. Vì thế, quá trình áp dụng VietGAP cần đơn giản hơn theo hướng là quy chuẩn bắt buộc, là yêu cầu tối thiểu cho sản xuất thủy hải sản. Quan trọng hơn, phải có sự liên kết và cam kết giữa nhà tiêu thụ, người dân, nhà cung ứng đầu vào nhằm ưu tiên cho sản phẩm VietGap.
Bình luận của bạn