Tìm về Mũi Rồng - nơi Đại tướng yên giấc thiên thu

Mũi Rồng - khí cốt địa linh

Đảo Yến nằm cách thôn Minh Sơn 1km, đó là nơi mà ngày xưa, tương truyền tổ yến sào ở đây từng được các vua triều Lê trọng dụng và nhà Nguyễn rất ưng. Cụ ông Võ Đại Lai cho biết: “Yến sào ở đảo Yến ngày xưa tương truyền còn tốt hơn ở Khánh Hòa. Nhưng sau đó do quản lý không tốt vì người dân lấy đi nhiều, chim cũng bay đi nhiều, còn lại vài cặp. Nhưng 2 năm nay đã có rất nhiều chim yến quay trở lại, sinh sôi nảy nở rất nhanh, dấu hiệu của thanh bình”. Chúng tôi lên đảo Yến, một hòn đảo ngoạn mục, nơi đó có một mạch nước giếng cổ, một ngôi mộ cổ còn sót lại trong ánh lau tinh khiết của đảo. Những cụm cỏ mọc dưới tầm người can trường trước bao dâu bể của sóng cả. Phóng tầm nhìn vào Mũi Rồng trong bờ, tỏa ra một khung cảnh đặc biệt lồng lộng.

Rời đảo Yến, vào Mũi Rồng, đó là một eo núi hình vòng cung, đỉnh chính được đặt tên Rồng, theo cách gọi của người dân địa phương. Có 2 con suối, nước mát trong. Trong đó, một suối được người dân cho biết vào mùa hè có hạn mấy nước vẫn chảy ra. Tại khu dưới núi có 2 thung lũng khá rộng, cây cối um tùm, có 2 ngôi mộ táng của người dân Thọ Sơn. Trên thực tế, nghĩa địa làng Thọ Sơn nằm dưới núi, phía đèo Ngang. Việc có 2 ngôi mộ trong thung lũng Rồng khiến chúng tôi không khỏi thắc mắc. Một lão ngư thả lưới trước bãi Vũng Chùa cho biết, người nằm dưới 2 mộ này có công trạng với làng mới được đưa ra đây.


Khu vực Mũi Rồng là eo núi hình vòng cung tại Vũng Chùa - Đảo Yến.

Trên lưng núi, đã hiện ra một tháp chuông: “Hồng Chung Vũng Chùa”. Trên chuông ngoài một số đề từ của các sư tổ xưa, còn có tên của phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng gia đình cung tiến. Mé dưới chân tháp chuông là một cái miếu nhỏ, xây lối cổ kính, mang dáng dấp thờ tự hơn là nơi chốn du lịch. Cách đó chừng 200 bước chân đi ra phía biển là căn nhà to như tổ đình, mái ngói đỏ au, cột gỗ to lớn, kiến trúc theo lối thờ tự truyền thống, phía trong để mấy bộ bàn ghế. Cạnh đó là một nhà sàn kiểu Tây Bắc, ngói rêu phong.

Khung cảnh ở đây vừa trải qua cơn bão số 10, ngói vỡ nhiều viên, nhưng mọi thứ trông rất đẹp và tràn đầy vị thế. Từ tháp chuông nhìn ra là bãi biển cát mịn màng, hai bên bãi biển là vô số lớp đá xếp san sát, người dân địa phương bảo nước bào mòn đá, trông chúng như những vảy rồng xếp vào lớp cát mịn, họ gọi đó là bãi Rồng. Trước bãi ấy là biển, dân trong vùng gọi là Vũng Chùa. Chùa ở đây được giải thích rằng khu vực này ngày xưa từng có một ngôi chùa, nhưng sau bao nhiêu dâu bể, chiến tranh, chùa đã bị tàn phá. Sát Vũng Chùa là đảo Yến trải mình trong ánh thu. Từ lưng chừng núi Rồng nhìn xuống, đảo Yến như bức bình phong với non kỳ thủy tú rất lạ.

Đón đợi Đại tướng của nhân dân

Ngày 8/10, chúng tôi gặp một số người dân ở thôn Thọ Sơn, rất nhiều người vẫn chưa biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần, bởi bão số 10 quật đổ điện, các hệ thống liên lạc bị tê liệt. Chỉ đến khi cán bộ xã nhận tin Đại tướng sẽ về an nghỉ ở Mũi Rồng, một số người lên xã có công chuyện mới biết. Ông Lê Thanh Khành, lão thành ở Thọ Sơn, người thông rõ thế đất, thế núi ở Mũi Rồng cho biết: “Khoảng hơn 500 năm trước lập làng, Mũi Rồng được coi là nơi trấn giữ mạch tốt, được cho là nơi phát lộ hồng phúc khi có bậc khai quốc về trấn giữ. Rứa cho nên mấy trăm năm qua, đời này đến đời khác, luôn truyền ngôn lại cho hậu thế, khu vực Mũi Rồng chỉ được an táng những bậc có đại công với làng nước. Dân thường mất đi phải an táng ở nghĩa địa phía Bắc làng, cách thôn hơn 2 cây số. Làng cấm không được vào chôn cất ở thung lũng Rồng. Hồi nhỏ tôi có nghe mấy cụ coi đất kể lại với nhau, phải chờ đời này đến đời khác để có một người công lớn, chí cao về an nghỉ. Chừ thì nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp về, chắc chắn đó là hồng phúc rồi. Hồng phúc rất lớn của vùng đèo Ngang này”.

Hoành Sơn là hệ núi mọc ra từ dãy Trường Sơn đâm sát ra biển, tạo ra đèo Ngang danh tiếng từ lâu. Trên đèo Ngang còn cổng Hoành Sơn Quan vốn là nơi đi lại ngày xưa của người dân theo hành trình Bắc Nam. Phía trong Hoành Sơn Quan có khắc tên 8 chiến sĩ pháo cao xạ hy sinh vào năm 1972. Nơi đây hiện đang được nhân dân Quảng Đông (Quảng Bình) và Kỳ Nam (Hà Tĩnh) khói hương vào những ngày lễ tết. Trong khi đó, dưới bóng Hoành Sơn phía làng Thọ Sơn sát với quốc lộ 1A là đền thờ thánh mẫu Liễu Hạnh có mặt từ hơn 500 năm nay. Tương truyền đó là mẫu thánh hiện ra bảo vệ người nghèo trong vùng. Phía bên kia đèo Ngang cũng có một đền thờ khác về mẫu Liễu Hạnh ở xã Kỳ Nam. Người dân Kỳ Nam giải thích, khi mẫu Liễu Hạnh giáng thế phía Quảng Đông giúp an dân, mẫu đã phân thân sang bên này giúp người dân dựng nghiệp lập đất, khởi làng.

Xã Quảng Đông là mảnh đất xưa nay khó khăn, kinh tế nửa nông nghiệp, nửa lấy biển mưu sinh. Thế núi ở đây hùng vĩ, con người hiền lành chất phác, cần cù. Đất đai thảo dã, biển nước mây trời khoáng đạt. Thế núi ở đây tạo ra khí tính con người can trường, chung thủy. Đó là mảnh đất của hơn 4.712 người tận hiếu, tận trung với quê hương, với đất nước. Một xã anh hùng của thời kỳ chiến tranh. Nơi Đại tướng chọn cho giấc thiên thu thật là vùng đất xứng danh.

An táng di hài Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở độ cao 110m

Ngày 8/10, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã có mặt tại xã Quảng Đông, thị sát khu vực Mũi Rồng để thực hiện các công việc mà Ban tổ chức lễ tang Trung ương cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ. Ông Phạm Quang Hải, Sở GTVT Quảng Bình đã giao việc làm đường vào khu an táng Đại tướng tại Mũi Rồng thôn Thọ Sơn cho Tập đoàn Trường Thịnh thi công. Ông Võ Minh Hoài, Tổng giám đốc cho biết, đơn vị vinh dự, tự hào làm cung đường này và huy động hơn 100 máy móc, phương tiện và gần 1.000 cán bộ, công nhân kỹ thuật làm ngày làm đêm để xong đường trong 2 ngày cho việc đại sự.

Vị trí an táng được xác định là Mũi Rồng ở độ cao 110m so với mặt nước biển, núi có độ cao hơn 130m ở chính giữa trục Đông Nam, phía Tây là ngọn núi Sú cao 136m, phía Bắc là ngọn núi cao hơn chắn gió mùa, phía Đông là Mũi Rồng hướng ra biển. Phía Bộ Chỉ huy Quân sự Quảng Bình cho biết, đội tiêu binh danh dự của QĐND Việt Nam tại Hà Nội sẽ di chuyển vào đảm nhiệm các nghi thức an táng trọng thể. Có 25 xe tiêu binh, xe chở di hài Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Bộ Quốc phòng điều động từ TPHCM (Quân khu 7) ra Quảng Bình bằng đường sắt.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn