Thời điểm này, tại thị trường Hà Nội, các mặt hàng sữa bắt đầu có dấu hiệu giảm giá, mặc dù theo quy định của Bộ Tài chính thực hiện trong khâu bán buôn chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày quyết định có hiệu lực thi hành và thực hiện khâu bán lẻ chậm nhất sau 20 ngày kể từ ngày quyết định có hiệu lực thi hành.
Chị Nguyễn Thanh Loan, trú tại ngõ 120, Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy không giấu được sự phấn khởi khi biết giá sữa trẻ em chính thức giảm từ ngày 1/6. Với hai con nhỏ (4 tuổi và hơn 1 tuổi), hàng tháng gia đình chị phải chi cho các cháu gần 2 triệu đồng để mua sữa, trong khi lương không cao, chi tiêu trong gia đình nhiều, đôi lúc vẫn bị "cạn túi" nhưng chị không thể cắt khẩu phần sữa của con. Đón nhận tin vui này chị cho biết: “Không chỉ riêng tôi mà các bà mẹ ai cũng phấn khởi bởi trong thời buổi kinh tế khó khăn, giảm được đồng nào tốt đồng ấy. Không những thế, sự tăng giá bất hợp lý của các hãng sữa thời gian qua cũng gây bức xúc cho người tiêu dùng. Họ đưa ra đủ lý do và cuối cùng chỉ những người thu nhập thấp như chúng tôi là thiệt thòi nhất”.
Giá sữa giảm khiến nhiều gia đình có con nhỏ vui mừng
Không chỉ là niềm vui của các bà mẹ nuôi con nhỏ, 25 mặt hàng sữa bị áp giá trần cũng nhận được sựquan tâm của cả cộng đồng xã hội với hy vọng, không chỉ mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi mà nhiều mặt hàng sữa khác cũng được cơ quan quản lý giá đánh giá lại và áp giá trần. Bởi hiện nay nhiều mặt hàng sữa dành cho trẻ em từ 1 đến 10 tuổi, sữa dành cho người cao tuổi vẫn đứng ở mức cao.
Có 5 doanh nghiệp có thị phần lớn như: Mead Johnson, Vinamilk, Nestle, 3A, Frieslandcampina với các sản phẩm: Enfamil, Enfagrow A+, Similac, Lactogen, Friso Gold, Frisolac Gold, Dielac Alpha…. được áp giá trần trong đợt này. Thời điểm hiện tại, nhiều hãng sữa bắt đầu thông báo giảm giá sữa, nhiều siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã áp dụng mức giá mới.
Chủ cửa hàng kinh doanh sữa, bánh kẹo Trà My tại đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình cho biết: Những ngày qua, chị đã nhận được thông báo của các hãng sữa Abbot, Mead Johnson và một số hãng sữa khác về việc áp dụng mức giá mới. Hiện tại, lượng sữa tồn tại cửa hàng của chị vẫn còn nhiều và nếu được các hãng sữa hỗ trợ cho phần giá chênh lệch chị sẽ áp dụng ngay mức giá mới. Chị cũng cho rằng, mang lại quyền lợi cho khách hàng thì hàng hóa của chị được bán tốt hơn, do vậy chị rất ủng hộ việc áp giá trần đối với các mặt hàng sữa trẻ em.
Hệ thống siêu thị tại Hà Nội cũng phản ứng tích cực với mức giá mới cho sản phẩm sữa trẻ em. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, phụ trách truyền thông siêu thị Big C khu vực miền Bắc và miền Trung cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin xác nhận giá bán buôn từ nhà cung cấp, Big C đã điều chỉnh giá bán lẻ mới của các sản phẩm sữa Abbott, Nestle nằm trong quy định áp giá trần của Bộ Tài chính. Mức giá mới giảm dao động từ 10 - 20%, tùy theo từng sản phẩm. Đối với các sản phẩm còn lại theo quy định áp giá trần của Bộ Tài chính, Big C đang làm việc với các nhà cung cấp để triển khai. Theo Big C đây là một quy định tích cực của Bộ Tài chính, giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn phù hợp với túi tiền cũng như góp phần bình ổn giá sữa trên địa bàn.
Tuy nhiên, để quy định áp giá trần đối với mặt hàng sữa trẻ em của Bộ Tài chính thực sự có hiệu quả, mang lại quyền lợi cho người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện của các công ty phân phối, các cửa hàng bán lẻ sữa; tránh trường hợp các đơn vị, cơ sở lách luật để kiếm lợi bất chính.
Bình luận của bạn