Trung tâm y tế quân dân y được thành lập trên cơ sở Bệnh xá Quân y và Bệnh viện Đa khoa huyện đảo
Lập trung tâm cấp cứu, chữa bệnh đặc thù biển, đảo
Bệnh viện Bạch Mai chú trọng hỗ trợ y tế biển đảo
100% người dân vùng biển đảo sẽ được cấp thẻ BHYT
Chuyện về những bác sỹ yêu biển đảo
Đó là chia sẻ của bác sỹ Lê Ngọc Trọng - nguyên Bệnh xá trưởng Bệnh xá Quân y, hiện là Phó giám đốc Trung tâm y tế Quân dân y, Bạch Long Vĩ.
Từ phẫu thuật trong ánh đèn pin
Từng là lính Hải Quân, rồi được đơn vị cử đi học chuyên ngành bác sỹ đa khoa tại Học viện Quân y, năm 2008 tốt nghiệp cũng là lúc anh bác sỹ Quân y Lê Ngọc Trọng vác ba lô lên đường ra với đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ. Để lại đất liền vợ cùng các con nhỏ.
Bác sỹ Trọng kể, thời điểm anh ra đảo hệ thống điện sức gió đã dừng hoạt động, đảo không có điện tối om. Bệnh xá Quân y Trung đoàn phòng thủ đảo khi ấy chỉ có 5 cán bộ và anh là Bệnh xá trưởng. “Bệnh xá chỉ có từng ấy người nhưng phải lo việc khám chữa bệnh cho cả Trung đoàn. Trong khi người dân, nhất là ngư dân cũng rất cần đến chúng tôi. Thế nên tôi vừa là chỉ huy nhưng cũng kiêm luôn cả việc khám chữa bệnh, thậm chí cả phát thuốc luôn”.
Khi được hỏi về những kỷ niệm đáng nhớ trong suốt những năm tháng là thầy thuốc trên đảo, bác sỹ Trọng cười rất hiền và nói, kỷ niệm thì nhiều lắm, kỷ niệm đôi khi là nửa đêm ngư dân họ gọi cửa khênh nhau đến máu me tùm lum, các y, bác sỹ cả trực lẫn không trực lại một phen nháo nhào cấp cứu. Kỷ niệm còn là những ca phẫu thuật cấp cứu trong ánh đèn pin, trong ánh đèn dầu khiến anh em phải căng mắt, gắng hết sức mình để ca phẫu thuật được thành công.
“Rồi những ca phẫu thuật kéo dài hàng giờ đồng hồ, mọi người trong kíp phẫu thuật đều căng như dây đàn. Và khi bệnh nhân được phẫu thuật thành công thì chả ai bảo ai tất cả đều mừng y như mình vừa được cứu sống cũng là một kỷ niệm”, bác sỹ Trọng nói.
Đến nhường cơm, sẻ áo cho bệnh nhân …
Cho đến giờ bác sỹ Trọng cùng các cán bộ trong Bệnh xá Quân y vẫn nhớ như in cơn bão số 10 năm 2009, trong khi biển động dữ dội, gió quần thảo không ngớt thì các ngư dân của một tàu cá bị nạn đưa nhau lên Bệnh xá cấp cứu, mặc dù việc khám chữa bệnh cho ngư dân là miễn phí theo chỉ đạo của cấp trên nhưng khi cấp cứu xong các cán bộ trong Bệnh xá lại phải báo cáo lên đơn vị huy động chiến sỹ gom góp quần áo cho ngư dân mặc vì quá trình rời tàu tất cả từ người bệnh đến người đưa người bệnh đi cấp cứu đều bị ướt hết .
“Anh em trong Bệnh xá còn nấu cơm cho ngư dân ăn…Mọi người đều nghĩ, ngư dân vốn ở xa, lại đang gặp nạn thì một chút sẻ chia thôi cũng là tiếp thêm nghị lực cho họ. Chưa kể đối với bệnh nhân thì họ ổn bác sỹ cũng cảm thấy vui, thấy ấm lòng” , bác sỹ Trọng bộc bạch.
Cũng theo bác sỹ Trọng tết năm 2014 là cái tết mà anh cùng anh em trong Bệnh xá nhớ nhất, một cái tết thật ấm áp tình quân dân. Khi đó vào khoảng mùng 4 tết, bệnh xá tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng bị xuất huyết niêm mạc mũi nghiêm trọng. Mặc dù trường hợp này không phải chuyên khoa sâu của bác sỹ ở đảo nhưng trước sự cấp bách các y, bác sỹ ở Bệnh xá đã cùng với sự tư vấn, hội chẩn của các đồng nghiệp ở đất liền tiến hành cấp cứu và đã cấp cứu thành công. Lúc này các bác sỹ mới thở phào nhẹ nhõm và cùng người bệnh đón tết.
Và tình người làm nên nhiều điều kỳ diệu
Có một điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, bác sỹ Trọng dường như rất ít nói về mình mà luôn nhắc đến các y, bác sỹ thuộc Bệnh viện Đa khoa huyện, nhất là bác sỹ Nguyễn Đức Quân, giám đốc bệnh viện với một tình cảm rất trìu mến, thân thương. Dường như đọc được sự ngạc nhiên ấy bác sỹ Trọng giải thích, ở đảo tình người là lớn nhất, là những kỷ niệm mà sau này anh hay mỗi người đã từng bám đảo dù đã trở về đất liền sẽ không bao giờ quên. Tình người cũng cho các anh thêm sức mạnh để làm nên nhiều điều kỳ diệu, cứu sống biết bao bệnh nhân khi họ cận kề cửa tử.
“Bệnh xá Quân y làm tốt công tác khám chữa bệnh, cấp cứu thành công nhiều ca cũng là nhờ sự hỗ trợ từ Bệnh viện và ngược lại. bác sỹ Quân luôn là người đi đầu, dám đưa ra những quyết định “liều lĩnh” cùng với chúng tôi cứu chữa bệnh nhân trong những lúc nguy cấp và luôn thành công. Điều đó khiến chúng tôi luôn cảm thấy vững tin, ấm áp hơn và có thêm nghị lực để làm tốt công việc và bám đảo” bác sỹ Trọng chia sẻ.
Cũng theo bác sỹ Trọng, tình người ở đảo còn là khi không kịp huy động Ngân hàng máu sống từ người dân thì chính các y, bác sỹ trong Bệnh xá Quân y, Bệnh viện Đa khoa huyện cũng tham gia hiến máu cứu sống người bệnh. Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Hương, công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện là một điển hình. Chị Hương chính là người đã hiến máu cứu sống ngư dân Phạm Văn Thiết (quê ở Thanh Hóa) bị tai nạn do máy tời cuốn, nhập viện trong tình trạng nguy kịch, bất tỉnh, sốc nặng do mất máu kéo dài, đứt rời hoàn toàn 3/4 cánh tay trái, gãy lộ xương cánh tay vào ngày 5/8/2015.
Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện với chúng tôi bác sỹ Trọng chia sẻ thêm, sau khi Trung tâm y tế Quân dân y thành lập trên cơ sở Bệnh xá Quân y và Bệnh viện Đa khoa huyện vào cuối năm 2016, anh được phân công giữ chức vụ Phó giám đốc và hiện đang học chuyên môn tại đất liền. Và anh sẽ vẫn quay lại bám đảo sau khi kết thúc khóa học bởi hơn bao giờ hết đảo là một phần cuộc sống của anh và đảo cũng rất cần các anh chung tay để đổi mới.
Bình luận của bạn