"Nói thật, không có cái nghề nào nhục nhã bằng đi làm cái nghề này"
Bị sốt sau khi oral sex với gái mại dâm, có phải đã bị HIV?
TPHCM: Chỉ 5% người hành nghề mại dâm thường dùng bao cao su
Phá ổ mại dâm xây "địa đạo" trộm tiền như phim
Doanh nhân Tuyết Mai: Đam mê, làm hết mình thì sẽ thành công
Cái lạnh mùa đông Hà Nội làm da mặt người đàn bà tên Huyền nứt nẻ, khô quắt, khác hẳn so với lúc son phấn hành nghề bán dâm. Năm nay 35 tuổi, Huyền bước chân vào nghề từ năm 16.
Cha đi tù từ Huyền còn nhỏ, khi ông về cũng là lúc cuộc sống của Huyền bước vào địa ngục vì bị lạm dụng tình dục ròng rã 6 năm. "Tôi mất trinh từ năm 8 tuổi. Mỗi lần nằm cạnh tôi là ông ấy đều để con dao, bảo nếu nói với ai thì ông ấy giết chết. Đến mãi năm 14 tuổi, tôi bắt đầu hiểu thế nào là nhục nhã và kể với đứa em họ. Sau đó cả gia đình biết chuyện, ông ấy đánh mắng tôi rồi dọa tự tử", chị kể.
Năm 16 tuổi, Huyền bị chị kết nghĩa lừa đi làm gái bán dâm. Lần đầu quan hệ với khách, chị mắc bệnh lậu. Sau nhờ xin bà chủ đi chữa bệnh mà chị trốn về nhà, nhưng lại bị mắng chửi. "Đêm đầu tiên tôi về nhà ngủ, bố còn đạp cửa phòng xông vào chửi. Tôi chán quá rồi bỏ nhà đi luôn, từ đó làm gái bán hoa nuôi thân. Gần 20 năm rồi, tôi không muốn về nữa", chị kể tiếp.
Huyền bước chân vào nghề bán dâm từ năm 16 tuổi (Ảnh: Phương Hòa) |
Huyền có hai con trai đều đang đi học, chồng đã mất vì tai nạn giao thông. Giờ ngày chị phụ mẹ đi lấy bánh về bán, kiếm tiền nuôi con. Thi thoảng, Huyền vẫn "đi khách" vì thiếu tiền chữa bệnh. Mỗi lần đi xuyên đêm như vậy, chị kiếm được 300.000 - 500.000 đồng.
"Hai thằng bé đều không biết mẹ làm nghề gì nhưng người xung quanh thì coi thường khi thấy mình phấn son, váy áo đi ngang qua. Nhiều lần khách gọi đi phục vụ một người nhưng đến nơi bị pháo dàn (bắt quan hệ với nhiều người) là chuyện cơm bữa", Huyền nói và cho hay giờ sắc tàn, bệnh tật nhiều, chị muốn bỏ nghề nhưng chưa dứt hẳn được. Bị bệnh hen suyễn và đang điều trị ARV, có lần chị xin làm phụ bếp nhưng chỉ được vài ngày rồi xin nghỉ vì không kham nổi.
"Nói bỏ nghề nhưng chỉ dám nghĩ trong đầu, quan trọng là có làm được hay không. Bỏ rồi phải có việc làm ổn định, ít nhất thu nhập được 3 - 5 triệu mỗi tháng, không thì tiền đâu mua sữa cho con, đóng tiền nhà", Thanh (36 tuổi) người nhỏ thó, lanh lảnh nói.
Thanh có hai đứa con đều là của người tình. Chị chấp nhận có con để sau này lấy nơi nương tựa về già vì gia đình trên quê đều không nhìn nhận nữa. Bước vào nghề năm bao nhiêu tuổi, chị không nhớ rõ, chỉ nhớ hồi đó mới lớn, bị mẹ mắng chửi nên tự ái bỏ quê xuống Hà Nội lang thang, đi nhờ xe tải rồi bị giở trò.
Hàng ngày, chị vẫn bán nước chè ở đầu ngõ, khi nào có khách gọi điện thì nhờ người trông hàng hộ khoảng 30 phút rồi đi. Mỗi lần "tàu nhanh" như vậy được 100.000 đồng, khách đưa 50.000 đồng cũng đành chấp nhận. "Nói thật, không có cái nghề nào nhục nhã bằng đi làm cái nghề này", Thanh nói.
Đó là 2 trong nhiều câu chuyện được chính phụ nữ bán dâm chia sẻ tại hội thảo bạo lực giới đối với phụ nữ bán dâm được tổ chức tại Hà Nội ngày 15/12. Theo bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý vùng dự án Plan tại Hà Nội, con đường từ bỏ mại dâm của nhiều người gặp khó khăn, cái khó lớn nhất là gánh nặng kinh tế khi không có tiền chi trả cuộc sống. Nhiều người có thai ngoài ý muốn và giữ lại đứa trẻ, họ cần tiền mua sữa, trả tiền học cho con.
Trong 400 phụ nữ bán dâm mà dự án hỗ trợ thí điểm chính sách và xây dựng mô hình hòa nhập cộng đồng ở Hà Nội thì hầu hết có con. Các tình nguyện viên tìm cách hỗ trợ sinh kế cho họ bằng cách giới thiệu công việc như đi học làm tóc, làm móng, bán hàng, thậm chí là mở quán nước mía, bán ốc luộc. Trong 3 năm, dự án hỗ trợ được gần 100 người tham gia học nghề và 40 người lập nghiệp.
"Khi họ tự tìm được nguồn thu nhập thay thế thì sẽ tự từ bỏ con đường bán dâm vì không ai muốn làm công việc đó cả. Nhưng con đường từ bỏ không hề dễ", bà nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Vụ Pháp chế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho hay, nhiều chính sách phòng chống mại dâm hiện nay còn bất cập. Pháp lệnh phòng chống mại dâm có liệt kê đến các hành vi liên quan đến bạo lực giới, một số luật chuyên ngành như hình sự, hôn nhân gia đình cũng đề cập, nhưng chưa quy định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong vấn đề này.
"Bộ Lao động đang triển khai xây dựng để đến năm 2017 trình Chính phủ nâng lên thành Luật phòng chống mại dâm. Khi đó, trách nhiệm của cơ quan nhà nước sẽ được định rõ, nhất là chống bạo lực giới", bà Dương cho hay.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay Hà Nội có khoảng 2.000 gái bán dâm hoạt động tại các địa bàn công cộng, cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, quán cà phê, tập trung tại các địa bàn giáp ranh như Cầu Giấy, Tây Hồ, Hà Đông, đường Phạm Văn Đồng, Đền Lừ...
Theo Phương Hòa (vnexpress)
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Bình luận của bạn