Uống nước nhân trần, cam thảo kiểu này, không sớm thì muộn cũng bị suy thận

Nhiều người tin rằng các loại nước giải nhiệt sẽ luôn an toàn và tốt cho sức khỏe

Có nên dùng chung nhân trần và cam thảo?

Trà giải nhiệt: Uống nhiều hại thận

Uống nhân trần: Tham là chết

Nhân trần cam thảo có phải là "bạn tốt"?

Dựa vào kinh nghiệm dân gian, nhiều người tin rằng các loại nước giải nhiệt sẽ luôn an toàn và tốt cho sức khỏe.

Vì vậy những loại thảo dược có tính giải nhiệt cao như nhân trần, cam thảo, hoa cúc, rễ tranh, mã đề… được rất nhiều bà nội trợ mua về đun sôi, để nguội rồi uống thay nước lọc, vừa tốt, vừa rẻ lại dễ làm.

Chị Hoàng Xuân Hạnh, 48 tuổi đang làm nhân viên kế toán của một công ty dệt may, ở Bình Thạch, TP.HCM là người có thói quen uống nước nhân trần thay nước lọc suốt 2 năm qua.

Theo chị Hạnh: "Nước nhân trần mát, giúp thanh nhiệt cơ thể lại có thể chữa được bệnh gan". Số là trước trước đây, chị Hạnh có tiền sử mắc bệnh gan, phải nhập viện điều trị khá lâu, tốm kém nhiều tiền bạc.

Sau khi xuất viện về nhà, chị nghe mấy bà hàng xóm mách rằng uống nước nhân trần mỗi ngày sẽ tốt cho gan. Thấy có lý nên chị không ngần ngại làm theo.

Đến nay đã được hơn 2 năm chị Hạnh uống nước nhân trần thay nước lọc, chị thấy nước này khá mát, lại ngon dễ uống nên rất thích.

Nhưng không hiểu sao thời gian gần đây, chị Hạnh thấy cơ thể mình có nhiều thay đổi. Chị chán ăn, thường xuyên muốn ói, mệt mỏi, phù thủng tay chân, đau vùng lưng và eo, ngứa ngáy toàn cơ thể...

Đặc biệt, chị rất ít khi đi tiểu dù ngày nào cũng uống khá nhiều nước, khi đi tiểu tiện chị thấy trong nước tiểu của mình có màu hồng nhạt, lo lắng cho tình trạng sức khỏe của mình chị vội vàng đi khám bác sỹ thì được biết chị đã mắc bệnh suy thận độ 1 vì uống quá nhiều nước mát.

Ảnh minh họa

Uống nhiều hại thận

Bác sỹ Đông y Dương Văn Nội - Hội Đông y Việt Nam cho biết: Các loại cây nhân trần, cam thảo, mã đề, rễ tranh đều có tác dụng lợi tiểu, giải nhiệt cơ thể, an thần, làm người dùng cảm thấy thoải mái.

Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng các loại nước từ các thảo dược này, bởi các cây này đều có tính lợi tiểu khá mạnh trong Đông y, làm mất cân bằng điện giải, tăng đào thải hoạt chất, kém hấp thu một số vi chất cần thiết cho cơ thể như calci, K… lâu ngày sẽ có hại cho thận, dẫn tới suy thận.

Ngoài ra, người dùng cũng nên tránh uống các loại nước mát để lạnh khi vừa đi nắng về. Khi đó độ lạnh của nước mát sẽ làm mồ hôi không thoát ra được, cơ thể không tản nhiệt được dễ làm tăng nguy cơ sốt.

Nếu bạn uống lạnh quá mức cho phép sẽ làm cho các vi mạch máu trong dạ dày, ruột co thắt lại, dẫn đến niêm mạc thiếu máu, từ đó làm giảm chức năng tiêu hóa và sát khuẩn của dạ dày, ruột dẫn đến bị đau bụng, tiêu chảy cấp.

Bác sỹ Nội chia sẻ thêm: Nước mát tưởng chừng như một loại nước dễ uống và tốt cho tất cả mọi người, nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại.

Những người mắc bệnh viêm dạ dày mãn tính, lạnh bụng, nên ít uống hoặc không nên uống các loại nước mát.

Người già, trẻ em (đặc biệt dưới 1 tuổi) cũng nên thận trọng với đồ uống mát, có tính giải nhiệt cao, vì chức năng tiêu hóa của người già và trẻ nhỏ không ổn định, khả năng hấp thụ cũng kém hơn, nếu uống nhiều nước mát, nhẹ thì sẽ dẫn đến rối loạn tiêu hóa gây chướng bụng, tiêu chảy, chán ăn, nặng hơn thì có thể gây ra một số bệnh về đường ruột, mất nước, hôn mê.

Mọi người cần đặc biệt chú ý không nên kết hợp nhân trần với cam thảo khi nấu nước mát.

Vì theo Đông y, nhân trần có vị đắng, cay, tính hàn, lợi mật, nhuận gan, chủ trị viêm gan vàng da, viêm túi mật, giải cảm nhiệt, đau đầu, chảy nước mũi, đau họng, bụng đầy trướng, bị tiện...

Còn cam thảo bổ khí, thanh nhiệt, giải độc, chủ trị các chứng tỳ vị hư nhược, ho suyễn, hầu họng sưng đau, giải độc thuốc và thức ăn, chống suy nhược…

Trong các phương thuốc cổ truyền, cam thảo thường giữ vai trò là tá, nghĩa là có tác dụng dẫn thuốc vào kinh. Khi hai loại thảo dược này kết hợp cùng nhau sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe.

Phụ nữ mang thai nếu không có chỉ định của bác sỹ tuyệt đối không được dùng nhân trần, cam thảo hoặc quá nhiều các loại nước mát, vì uống nhiều sẽ làm mất sữa hoặc có rất ít sữa.

Ngoài ra, các loại nước mát này lợi tiểu thanh nhiệt, phụ nữ mang thai uống vào sẽ mất muối khoáng, các loại vi lượng nuôi thai, khiến thai nhi bị suy dinh dưỡng, đẻ non, hoặc sinh con dị tật.

Một số nghiên cứu của các nhà khoa học còn cho biết nam giới uống nhiểu nước mát sẽ làm giảm hàm lượng testosterol gây giảm ham muốn, bất lực, phù nề toàn thân…

Những người tăng huyết áp, hoặc huyết áp không ổn định cũng không nên dùng nhiều nước mát.

Đặc biệt là không nên sử dụng kết hợp hai loại thảo dược nhân trần và cam thảo, vì sẽ gây giữ nước, phù nề cao, tai biến (vì cam thảo, nhân trần làm tăng huyết áp).

Lưu ý:

- Khi thấy nước tiểu trong cơ thể có sự thay đổi như nước tiểu có màu vàng sẫm, đi tiểu quá ít hoặc quá nhiều lần bạn cần nghĩ đến chức năng thận của mình có vấn đề và nên đi kiểm tra sức khỏe để được điều trị kịp thời.

- Người khỏe mạnh bình thường mỗi ngày không nên dùng quá 0,5 lít nước từ các loại thảo dược giúp giải nhiệt, không nên uống nước này thay nước lọc.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội